Câu chuyện về những người sản xuất “sát thủ tiêu diệt B-52”

Câu chuyện về những người sản xuất “sát thủ tiêu diệt B-52”

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Trong chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không", cùng với lực lượng phòng không khác, các tiểu đoàn tên lửa của ta đã giáng những đòn chí mạng vào B52 của Mỹ. Ít người biết rằng, để đảm bảo đủ đạn dược, nhất là đạn cho các tiểu đoàn tên lửa, biết bao chiến sĩ kỹ thuật đã thầm lặng hi sinh để phục vụ chiến đấu...

Chuyện về những người lính kỹ thuật năm nào đã được tái hiện qua lời kể của trung tướng Lương Hữu Sắt, nguyên cục trưởng Cục kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân.

Cơn "sốt" đạn tên lửa

Đã vào cái tuổi "xưa nay hiếm", sức khỏe cũng đã giảm sút nhưng khi nhắc về những kỷ niệm sâu sắc của một thời trận mạc, gương mặt trung tướng Lương Hữu Sắt bừng sáng lạ thường. Theo lời kể của tướng Sắt, trước khi cuộc chiến nổ ra, Tư lệnh Lê Văn Tri thay mặt Bộ Tư lệnh Quân chủng báo cáo, xác định rõ lần này Mỹ sẽ tiến hành cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52, chủ yếu vào Hà Nội, sau đó là Hải Phòng. Hướng tập kích và đường bay chủ yếu đánh vào Hà Nội là từ Tây Bắc và Tây Nam.

Hà Nội trước khi vào trận có khoảng 200 quả tên lửa, nhưng chỉ sau 2 đêm 18 và 19/12, ta đã bắn trên 100 quả đạn mà chỉ làm rơi 5 chiếc B-52. Bởi vậy, chỉ một ngày sau, cơn "sốt" tên lửa đã xuất hiện. Theo trung tướng Sắt, nguyên nhân là do thời gian đầu quân ta chưa quen đánh B- 52 nên bắn nhiều, hiệu suất không cao lại tốn đạn. Dần dần, các tiểu đoàn tên lửa bắt đầu bắn tiết kiệm, chủ yếu nhắm vào B- 52. Bên cạnh đó, các dây chuyền sản xuất tên lửa được bổ sung cán bộ, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao liên tục thay nhau sản xuất.

Thế giới - Câu chuyện về những người sản xuất “sát thủ tiêu diệt B-52”

Người lính tải đạn tên lửa đến các vị trí chiến đấu trên xe tiếp đạn TZM (Ảnh: Bảo tàng PK - KQ cung cấp).

Nhớ lại những ngày tháng ác liệt mà hào hùng ấy, ông Nguyễn Trung Lữ, chủ nhiệm Kĩ thuật Trung đoàn 361, cho biết: Sau mỗi trận chiến đấu với máy bay địch, số lượng đạn thiếu, lượng dự trữ rất mỏng, đạn tốt không nhiều. Các ốc nối tầng tên lửa cũng không được đồng bộ, bộ phận cung cấp đạn luôn phải làm việc hết công suất để phục vụ chiến đấu.

Theo lời kể của những cựu binh năm nào, trong gần 20 trận đánh thì trận sáng 21/12/1972 là trận tiết kiệm đạn nhất. Phương án tác chiến cũ, theo lý thuyết của Liên Xô là đánh B-52 phải bắn 3 quả một lần để nâng cao hiệu suất tiêu diệt. Nhưng đến ngày 20/12 ta bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu đạn, đạn sản xuất không đủ để phục vụ chiến đấu. Tiểu đoàn 57 ở Đại Đồng được xác định là trận địa chủ chốt, ưu tiên đạn tương đối nhiều, nhưng rạng sáng ngày 21/12 chỉ còn 4 quả đạn.

Trung đoàn chỉ thị phải hết sức tiết kiệm, mỗi lần đánh nhiều nhất là 2 quả, không thì chỉ được 1 quả. "Tôi vẫn nhớ hồi kháng chiến bộ đội ta có câu: "Một viên đạn là một quân thù". Bây giờ ta thực hiện câu nói đó: "Mỗi quả đạn là một B-52". Dù lượng đạn còn rất ít nhưng anh em quyết "săn" bằng được B-52", ông Nguyễn Đình Kiên, sĩ quan điều khiển D57 (thuộc Trung đoàn 361) nhớ lại.

Ông Kiên kể tiếp, "lúc 5h05 ngày 21/12 ta đánh trận đầu tiên, phóng 1 quả nhưng không diệt được B-52. Sau đó các tốp B-52 liên tục bay vào, gầm rú trên bầu trời, 5h09 chúng tôi đánh trận thứ hai. Lần này bắn gần hơn một chút, máy bay rơi tại chỗ mà chỉ mất có 1 quả đạn. Chúng tôi đánh trận thứ 3 lúc 5h19, cũng bắn rơi B-52 với 1 quả đạn". Trước sức mạnh không thể coi thường của hỏa lực phòng không và không quân Hà Nội, B-52 của Mỹ đã phải giảm dần cường độ và dừng bắn phá từ sau ngày 22/12/1972.

Sản xuất tên lửa với... một chiếc cần cẩu

Nhớ lại thời điểm thiếu tên lửa tiêu diệt "thần sấm" Mỹ, tướng Sắt cho biết, việc đó không chỉ gây khó khăn cho các lực lượng chiến đấu, mà với lính kỹ thuật, trong đó có Tiểu đoàn 5 (thuộc Trung đoàn 261), đây cũng là nỗi trăn trở hơn bao giờ hết.

Theo tướng Sắt, quy trình tiếp nhận, lắp đặt và vận chuyển tên lửa không hề đơn giản, bởi chúng không giống như các loại đạn khác. Với tên lửa dùng cho SAM-2, SAM-3, để sử dụng phải qua một dây chuyền lắp ráp khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Đạn tên lửa được tháo rời từng bộ phận, đóng vào các hòm khác nhau, đến ga tàu phải dùng cần cẩu cẩu xuống. Khi vận chuyển, phải sử dụng xe chuyên dụng chở những thùng đựng đạn đến nơi cất giấu an toàn cách đó vài chục cây số, phải di chuyển trong đêm để đảm bảo bí mật.

Thế giới - Câu chuyện về những người sản xuất “sát thủ tiêu diệt B-52” (Hình 2).

Trung tướng Lương Hữu Sắt hiện nay.

Vị trung tướng xúc động: "Hồi ấy, tôi thường xuyên bắt gặp những chiếc xe của Tiểu đoàn kỹ thuật này. Họ từ Lạng Sơn về Hải Phòng, rồi ra Hà Nội, vào miền Trung, cứ ròng rã thế trong suốt 4 tháng liền cho đến tháng 12/1972... Tại các khu sản xuất đạn tên lửa, không khí làm việc khẩn trương như trong chiến trường, theo tinh thần: "Tất cả cho sản xuất đạn tên lửa", "Tất cả để đánh B-52".

"Ngày 20/12/1972, được Chính ủy Quân chủng giao nhiệm vụ đảm bảo đạn tên lửa cho trận địa, chúng tôi đã trực tiếp xuống xưởng đôn đốc và động viên anh em làm việc. Tuy nhiên, công việc lúc đó cũng không hề dễ dàng, bởi nhiều đơn vị sản xuất gặp khó khăn do thiếu trang thiết bị, dây chuyền sản xuất. Trong khi các vật tư được để thành 3 bãi riêng lẻ mà chỉ có một dây chuyền sản xuất và một chiếc cần cẩu K61, nên các anh em phải rất vất vả vật lộn với từng công đoạn", vị tướng hồi tưởng lại.

Trước tình hình khẩn cấp, tướng Sắt được lệnh phải cùng các đơn vị tìm phương án tháo gỡ. Trung đoàn tên lửa 274 (vừa từ Quảng Bình trở ra) được tăng cường cho dây chuyền cùng Trung đoàn 257 và 261 tại Hà Nội phối hợp thực hiện. Việc sản xuất được chia làm 3 kíp/ngày. Do thiếu ngủ và làm việc quá sức, nhiều người lả đi ngay tại nơi làm việc. Nhằm hỗ trợ các chiến sĩ có thêm sức làm việc, Cục Hậu cần đã phối hợp chuyển các thực phẩm thiết yếu đến tận tay cán bộ, chiến sĩ.

Vượt qua những khó khăn thử thách, các chiến sĩ kỹ thuật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để đưa những quả đạn đến vị trí chiến đấu an toàn, tháo gỡ tình trạng thiếu đạn tên lửa đang gây lo lắng trong toàn quân. Chính họ đã góp phần không nhỏ, nhưng thầm lặng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không lịch sử.

Trung tướng Lương Hữu Sắt cho biết, ngay từ tháng 8/1971, Cục Kỹ thuật đã được giao nhiệm vụ sửa chữa, cải tiến khí tài, bệ phóng và đạn tên lửa để có thể chống nhiễu không quân Mỹ. Với sự nỗ lực, tập trung cao độ, đến tháng 4/1972, việc cải tiến cho hầu hết các đài điều khiển tên lửa cũng như sửa sang kỹ thuật cho đạn, bệ phóng được hoàn thành. Chỉ tính riêng từ tháng 5 đến tháng 12/1972, các đơn vị kỹ thuật đã sửa chữa được 200 quả trên tổng số 290 quả đạn tên lửa bị hỏng và bổ sung cho các đơn vị tên lửa ở Hà Nội, Hải Phòng.

Anh Đức - Hoàng Lan


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.