Ly kỳ “tảng đá biết lớn lên như người"
Đó là lời đồn về một tảng đá có hình ông Bụt trong khuôn viên của chùa theo năm tháng cũng tự mình lớn lên chẳng khác gì một con người. Chính vì câu chuyện kỳ lạ chưa rõ thực hư này mà bao nhiêu người đã không quản ngại đường sá xa xôi cất công về tận nơi để được chiêm ngưỡng một sự lạ mà họ chưa từng được thấy trong đời.
Cảnh chùa Trinh Tiết.
Trụ trì chùa Trinh Tiết là hòa thượng, Đại đức Thích Thanh Hưng đưa chúng tôi đến chỗ tảng đá có tên là tượng Bụt Mọc được cho là tảng đá "thần" có khả năng tự lớn. Đó là một tảng đá lớn nhô cao giữa vô số các nhũ đá tai mèo nhỏ hơn kết thành những vòng tròn quây quần xung quanh. Tảng đá "thần" có đỉnh nhọn hoắt như một mũi tên đâm thẳng lên trời nhưng nhìn kỹ lại thấy có nhiều nét giống hình dáng của một ông Bụt đang ngồi trên một đài sen mà những nhũ đá tai mèo chính là những cánh sen gối lên nhau từng lớp đều đặn.
Đại đức Thích Thanh Hưng cho biết, nhiều người dân đã gắn bó cả cuộc đời ở nơi này, mỗi lần lên chùa thắp hương, vãn cảnh đều quả quyết tượng Bụt Mọc đã lớn hơn rất nhiều so với những năm trước, khi họ còn là những đứa trẻ. Cụ Trần Ngọc Kim năm nay đã hơn 70 tuổi, người đã có hơn 20 năm trông giữ chùa cũng khẳng định chuyện tảng đá tự lớn là có thật.
Cụ cho biết, khi mình còn nhỏ, thỉnh thoảng vẫn cùng lũ trẻ chăn trâu leo lên núi Bồ Đà chơi. Lúc đó, chùa Trinh Tiết chỉ là một ngôi chùa bị bỏ hoang, quanh năm không người nhang khói và tượng Bụt Mọc cũng chỉ cao bằng đứa trẻ lên 7. Bẵng đi nhiều năm, khi tóc đã hoa râm, trong một lần trở lại núi Bồ Đà, cụ Kim ngỡ ngàng nhận ra khối đá vô tri vô giác ngày nào chẳng hiểu vì lẽ gì cũng đã cao bằng mình. Ban đầu, cụ còn tưởng mình bị hoa mắt chóng mặt vì leo núi hoặc mắc phải chứng bệnh hoang tưởng. Nhưng sau đó, thấy nhiều người cùng có kết luận giống mình, cụ mới tin đó là sự thật.
Tiếng lành đồn xa, càng ngày càng có nhiều người dân lui tới chốn này để cầu mong những điều tốt lành trong cuộc sống. Ngôi chùa một thời chìm trong quên lãng bắt đầu được tu sửa lại nhờ tiền công đức của khách thập phương cùng công sức đóng góp của những người dân tình nguyện trong vùng. Những giai thoại kỳ lạ về ngôi chùa trên đỉnh Bồ Đà cũng được khơi lại một cách tự nhiên trong những câu chuyện "trà dư tửu hậu" thường ngày.
Những giai thoại nhắc chuyện người xưa
Giải thích về những câu chuyện kỳ lạ xung quanh chùa Trinh Tiết, cụ Trần Ngọc Kim cho biết, hầu hết trong số đó là những giai thoại được nhân dân thêu dệt lên rồi truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng theo sử sách ghi chép lại thì ngôi chùa linh thiêng này xưa kia có tên là Phật Tích Tự chứ không phải chùa Trinh Tiết như bây giờ. Cái tên Trinh Tiết bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XIV và gắn liền với tên tuổi của một cô công chúa nhà Trần.
Chuyện kể rằng, vào giai đoạn hậu kỳ nhà Trần, triều đình thối nát, xã hội rối ren, trăm họ rơi vào cảnh lầm than đói khổ. Sẵn quyền hành trong tay, lại có âm mưu tạo phản từ lâu, Hồ Quý Ly đã ép vua Trần Thuận Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Án lúc đó mới được 3 tuổi. Để đề phòng Hồ Quý Ly hãm hại, võ tướng Nguyễn Bằng được lệnh đưa công chúa Trần Thị Bạch Hoa khi ấy vừa tròn 17 tuổi, xinh đẹp như trăng rằm, tâm sáng tựa sao khuê, chạy trốn.
Trên đường chạy trốn, đến bãi Kẽm Trống bên bờ sông Đáy, họ dừng chân dưới chân núi Bồ Đà thuộc dãy Cầm Long. Thấy phong cảnh sơn thủy hữu tình đẹp như tranh vẽ, công chúa Bạch Hoa lưu luyến không muốn rời đi. Trong lúc lên núi vãn cảnh, bắt gặp ngôi chùa bị bỏ hoang, nàng đã quyết định lưu lại chốn này, hàng ngày lấy việc giúp người, giúp đời làm vui.
“Tảng đá tự lớn” trên đỉnh Bồ Đà.
Công chúa Bạch Hoa đã gắn bó với ngôi chùa bị bỏ hoang ấy đến cuối đời, làm rất nhiều việc tốt cho dân chúng trong vùng nên được người dân hết lòng tin yêu, kính trọng. Cũng tại nơi này, bà đã "thác tích" về cõi Phật khi vẫn còn là một "trinh nữ" không vướng chút bụi trần. Để tỏ lòng tiếc thương công chúa Bạch Hoa vì đã có nhiều công lao với dân chúng trong vùng, người dân ở đây đã đổi tên chùa thành "Trinh Sơn Tự" với mong muốn tôn vinh đức hạnh và trinh tiết của người phụ nữ. Nhưng người dân chỉ quen gọi một cách dân dã là chùa Trinh Tiết, lâu dần thành tên gọi phổ biến được hầu hết mọi người biết đến.
Đại đức Thích Thanh Hưng cho biết thêm, trên đỉnh Bồ Đà còn có Lăng Quy Tượng là một lăng mộ chôn rất nhiều tượng cổ. Đó là những pho tượng lâu đời có chiều cao trên dưới 1m, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau. Nhưng vì tượng đã bị hư hỏng nên được nhà chùa cùng chính quyền địa phương quy tụ lại đem chôn trên đỉnh núi. Cũng vì lẽ đó mà mộ được đặt tên là tên Lăng Quy Tượng với ý nghĩa chỉ lăng mộ quy tụ các pho tượng.
Hiện nay, trên chùa Trinh Tiết vẫn còn những văn bản chữ Nôm được ghi khắc trên bia đá. Tuy đã bị thời gian bào mòn theo năm tháng, nhưng những vết tích cổ xưa ấy vẫn là một minh chứng sinh động cho lịch sử vàng son của một ngôi chùa được xếp vào loại độc đáo nhất vùng. Nằm trong quần thể di tích Kẽm Trống, trải bao tháng năm lịch sử, chùa Trinh Tiết vẫn còn đó như một biểu tượng bất tử về đức hạnh của người phụ nữ, nhắc người đời sau sống trọn với bốn chữ vàng "Tiết hạnh khả phong".
Dương Dung