Joseph Beyrle, hay còn gọi là “Jumpin 'Joe”, từng thoát khỏi nhà giam của Đức 3 lần, cũng như sống sót qua một cuộc thẩm vấn của mật thám Gestapo khét tiếng. Người đàn ông Mỹ từng vinh dự gặp mặt Nguyên soái Zhukov và có một tình cảm đặc biệt với nước Nga.
Kênh YouTube chuyên về lịch sử có tên Potential History, từng mô tả về cuộc đời của Joseph Beyrle “giống như một cuốn tiểu thuyết về Thế chiến II”.
Năm 1945, sau một lần trốn thoát khỏi nhà giam, ông đã cầm súng chiến đấu cùng với những người lính Liên Xô. Ông là người Mỹ duy nhất từng chiến đấu với Đức quốc xã trên cả mặt trận phương Đông và phương Tây.
Cuộc đổ bộ không may
Beyrle được mọi người đặt biệt danh là “Jumpin 'Joe” vì những cú nhảy hoàn hảo của ông trong sự nghiệp lính nhảy dù.
Vào ngày 6/6/1944, mặt trận thứ hai mở ra ở Normandy. Beyrle, khi đó mới 20 tuổi, cùng với 24 nghìn binh lính khác đã được đưa đến chiến trường ở bờ biển Pháp.
Nhưng mọi chuyện đã không may mắn, pháo phòng không của kẻ thù đã buộc ông phải chuyển hướng và nhảy dù ngay trên nóc nhà thờ trong một ngôi làng do Đức quốc xã kiểm soát.
Chàng trai tội nghiệp khi đó đã phải xoay sở một mình ngay trong chiến tuyến của kẻ thù.
Kể lại với RIA Novosti, con trai của ông là John Beyrle cho biết, cha mình đã cố gắng kết nối với các nhóm lính Mỹ, nhưng không may mắn. Khi đến ngày thứ ba, trong khi bò qua những bụi cây rậm rạp, ông đã bị phát hiện bởi lính Đức và bị bắt làm tù binh.
Đào tẩu
Sau 3 lần trốn thoát khỏi nhà giam Đức quốc xã, Joseph Beyrle gia nhập hàng ngũ Liên Xô.
Không chịu khuất phục, Beyrle từng nghĩ cách trốn thoát khỏi nhà tù ba lần. Lần đầu tiên là khi đoàn xe lửa chở tù nhân bị người Mỹ tấn công ở Normandy. Tận dụng sự hỗn loạn, ông chạy trốn thành công. Nhưng đen đủi thay, ngày hôm sau ông đã bị bắt trở lại.
Không lâu sau, vào mùa Thu năm 1944, Beyrle đã trốn thoát một lần nữa, lần này là từ một trại giam ở Ba Lan. “Bố tôi rất giỏi chơi xúc xắc và không phải là người hút thuốc”, người con trai John nói. “Trong trại giam, người ta chỉ cá cược bằng thuốc lá chứ không ai có tiền. Bố tôi đã thắng được tới 40 gói, giúp ông trở thành một 'triệu phú thuốc lá'”
Tận dụng “sự giàu có” này, Beyrle đã thành công trong việc mua chuộc một tay lính gác người Đức. Hắn quay lưng lại giả vờ như không biết gì, trong khi Beyrle và bạn bè của ông trèo qua hàng rào dây thép gai.
Nhưng một lần nữa sự đen đủi không buông tha. Do trốn thoát trong sự hỗn loạn, cả nhóm đã đi nhầm chuyến tàu: thay vì đến Warsaw, nơi họ kết nối với các chiến binh kháng chiến, thì lại đến Berlin, rơi vào tay lũ mật thám Gestapo.
“Thiên thần không nói tiếng Đức”
Beyrle suýt chết vì bị tra tấn. Ông bị đối xử một cách “khá đặc biệt”, vì dòng họ của ông là những người Bavaria di cư đến Mỹ. Điều này khiến ông bị coi là một gã người Đức phản bội.
Nhưng mọi sự tra tấn đã không thể khiến Beyrle chịu khuất phục. Ông kể lại rằng, trong một lần tỉnh dậy sau cơn đòn đau, người lính Mỹ thấy nhiều người đàn ông mặc áo choàng trắng đứng quanh mình.
Beyrle tưởng rằng mình đã chết và lên thiên đàng. Nhưng sau đó ông chợt nhận ra rằng mình vẫn còn sống. “Có vẻ như tôi chưa lên thiên đường, vì các thiên thần không nói tiếng Đức”.
Lần này, ông thoát chết là do quân đội Đức và Gestapo tranh cãi với nhau về việc giam cầm tù nhân. Theo đó, quân đội Đức hiểu rằng chiến tranh đã sắp kết thúc và tù binh giờ đây không còn quan trọng.
“Đồng chí người Mỹ”
Vào tháng 1/1945, Beyrle đã trốn thoát một lần nữa - lần này ông trốn trong thùng xử lý rác để ra ngoài. Ông đã đào thoát khỏi nhà tù bằng la bàn và tiến về phía tiếng pháo của Liên Xô.
Hai tay ông giơ lên, đi về phía người Nga, lặp lại cụm từ duy nhất mà ông biết: “Ya Amerikanskiy tovarisch!, (Tôi là một đồng chí người Mỹ)”. Beyrle hy vọng rằng họ sẽ không bắn mình.
Joseph Beyrle có một tình cảm đặc biệt với nước Nga.
Những người lính Hồng quân vô cùng ngạc nhiên, nhưng tất cả đều không có ý định làm hại anh chàng lính Mỹ. Một phiên dịch sau đó đã giúp hai bên thấu hiểu tất cả.
Nhưng chuyện bất ngờ vẫn chưa kết thúc. Beyrle không muốn trở về nhà mà tha thiết muốn gia nhập hàng ngũ của Liên Xô để chiến đấu với quân Đức ở Berlin.
Cái kết của Jumpin 'Joe
“Họ đã đưa cho bố tôi một khẩu súng trường PPSH-41 nổi tiếng, như ông thường nói, tốt hơn nhiều so với Thompson của Mỹ”, con trai ông nhớ lại. Thompson thường dễ bị kẹt, trong khi PPSH hoạt động mà không gặp trở ngại nào. “Bố đã gắn bó với một nhóm bộ binh, bảo vệ một chiếc xe tăng”.
Những ký ức của Beyrle về Liên Xô ngày đó đều tươi đẹp. Beyrle thích kiều mạch của Nga hay thường uống vodka với những người bạn tại đất nước này.
Dẫu vậy, Beyrle không tham chiến lâu dài, chỉ khoảng một tháng. Trong thời gian ngắn này, tiểu đoàn của ông đã tìm cách giải phóng cho một trại giam - cũng là nơi mà Beyrle từng bị cầm tù.
Ngay sau đó, Joe bị thương trong một cuộc không kích. Các đồng chí của ông đã hành quân xa hơn tới Berlin, trong khi bản thân ông ở lại dưỡng thương trong một bệnh viện.
Trong thời gian nhập viện, đích thân Nguyên soái Georgy Zhukov danh tiếng từng đến thăm ông. Nguyên soái Zhukov đã giúp Beyrle có giấy tờ thông hành, đảm bảo ông sẽ đến được đại sứ quán Mỹ ở Moscow.
Khi đến thủ đô nước Nga, Beyrle đã khiến mọi người kinh ngạc vì ai cũng nghĩ ông đã bị giết trong chiến dịch năm xưa. Điều này đã khiến ông đã bị quản thúc khi trở về Mỹ vì không biết ông có phải gián điệp Đức hay không.
Trở về quê hương, người lính từng chiến đấu cho cả Mỹ và Liên Xô đã có một cuộc sống bình lặng. Ông làm việc cho một công ty và kết hôn với một người phụ nữ bình thường. Họ có với nhau những đứa con ông thường kể cho con cái nghe những câu chuyện thời chiến tranh.
Ông muốn đến thăm Moscow thêm năm lần nữa, nơi ông vẫn giữ lại những ký ức đẹp nhất về đất nước, con người nơi đây.
Con trai của ông - John Beyrle - cũng là một nhân vật gắn bó sâu sắc với nước Nga sau này. Ông chính là đại sứ Mỹ tại Moscow từ năm 2008-2012.