Bộ ảnh lấy nước mắt triệu người xem
Mới đây, trên mạng xã hội đã lan truyền bức ảnh đặc biệt, không chỉ đơn thuần là bức hình kỷ yếu của cô sinh viên mới ra trường mà là hình ảnh con gái chụp ảnh kỷ yếu cùng người cha của mình.
Hình ảnh người cha với bàn tay tật nguyền nhưng vẫn nắm chặt lấy tay con, bức ảnh dung dị nhưng tràn đầy tình cảm, tình cha con thiêng liêng đã nhanh chóng chạm vào trái tim của nhiều người. Hàng chục nghìn lượt like, hàng chục nghìn bình luận bày tỏ sự xúc động đã khiến bộ ảnh kỷ yếu này gây sốt mạng 24h qua.
Theo đó, khoảnh khắc này được nhiếp ảnh gia tự do Nguyễn Thái Sơn chụp vào ngày 12/11 tại trường đại học Kinh tế Quốc dân.
Anh Thái Sơn kể lại: “Ngày hôm đó, tôi đến trường sớm vì bạn nữ này nói “anh đến chụp cho em thật sớm”, nhưng hôm đó trời lại có mưa. Đến lúc 8h sáng, có một người đàn ông dáng nhỏ bé xuất hiện, cô nữ sinh này giới thiệu là cha mình và nói với tôi chụp ảnh luôn”.
Khi nghe được lời đề nghị của nữ sinh, anh Thái Sơn cũng không do dự mà bấm máy luôn nhưng cũng rất bất ngờ trước những gì mà nữ sinh yêu cầu cha thực hiện: “Nữ sinh bảo tôi chụp cho cô ấy cảnh lúc cha mặc áo cử nhân, chỉnh mũ cho cô... Vì thế, tôi cứ thực hiện, bấm máy một cách nhanh nhất có thể. Cuối cùng, chúng tôi đã có những tấm hình vui và ý nghĩa”.
Chia sẻ thêm với PV báo Người Đưa Tin, nhiếp ảnh gia Thái Sơn cho hay, anh cũng cảm thấy bất ngờ khi những hình ảnh của mình lại được nhiều người chia sẻ. Bởi, bản thân anh cho rằng câu chuyện đó anh cũng chỉ nghĩ là đăng lên cho mọi người cảm nhận, không có ý câu like.
“Tôi chỉ viết câu chuyện này trong vòng vài phút, đấy chỉ là cảm nhận của tôi sau một ngày đi chụp. Tôi đã chụp ảnh 7 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi chụp ảnh tình cảm giữa cha và con gái nên cảm xúc của tôi cũng khó tả”, anh Thái Sơn bộc bạch.
Sau quá trình chụp ảnh cho cha con nữ sinh này, anh Thái Sơn nói thêm điều mà anh cảm thấy ấn tượng nhất là câu nói của nữ sinh: “Cô gái này nói “Anh chụp cho em lúc cha dắt tay em đi, tay cha em bị tật” đây là câu nói mà tôi nhớ mãi. Vì, tôi nghĩ, chắc chắn phải có một kỷ niệm khó quên nào đó thì bạn nữ này mới muốn chụp cùng bố khi dắt tay”.
Hơn một ngày kể từ khi bức ảnh của mình và cha được đăng tải trên mạng xã hội, nữ sinh Trần Lan vẫn còn lâng lâng cảm xúc. Lan kể: “Trước ngày chụp ảnh kỷ yếu 2 tuần, tôi có về nhà ở Nga Sơn, Thanh Hóa thăm gia đình, tôi có nói “Sắp tới là ngày tốt nghiệp của con, con mong ngày đó có cha mẹ, có em trai cùng dự lễ tốt nghiệp”. Tôi nói vậy nhưng cũng không nghĩ là cha mình ra”.
Thế rồi, đến sáng hôm chụp ảnh kỷ yếu, cô nữ sinh đến trường và 7h nhận được cuộc gọi của cha là “cha đang ở bến xe”. Nghe thấy vậy, nữ sinh này đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi biết rằng cha mình lặn lội đường xa đến bên con.
Nói thêm về những bức ảnh kỷ yếu của mình, Trần Lan bộc bạch: “Tôi chụp bộ ảnh kỷ yếu này là có ý nghĩa của nó, trong thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời mình, tôi đều muốn có gia đình ở bên. Vì thế, trước đó tôi nghĩ nếu không có cha thì tôi cũng sẽ không chụp ảnh, hoặc chụp thật nhanh vài tấm rồi về nhà với gia đình”.
Chia sẻ về bàn tay bị tật của cha, Trần Lan tâm sự: “Trong một lần lái xe công nông, không may bị tai nạn nên tay phải của cha tôi bị tật và không cử động được các ngón tay. Kể từ đó, cha tôi trầm tính hẳn đi, tôi rất ít khi bày tỏ cảm xúc của mình với cha nhưng thông qua bộ ảnh này, tôi muốn nói “con yêu cha rất nhiều””.
Lần đầu tiên biết đến áo cử nhân của con
Cũng chia sẻ với PV, chú Trần Văn Phúc (SN 1973) không giấu nổi niềm vui và tự hào về con gái của mình. Chú Phúc tâm sự: “Tôi có nghe con nói về bộ ảnh của hai cha con, cũng cảm ơn khi được nhiều người quan tâm”.
Nói về động lực ra Hà Nội để chụp ảnh kỷ yếu cùng con, người đàn ông này cho biết: “Vợ chồng tôi làm công việc lao động chân tay, nên việc nuôi con đi học đại học cũng gặp phải muôn vàn khó khăn. Ngày hôm nay, đến ngày con trưởng thành, tốt nghiệp nên tôi cũng lặn lội đường xá ra chung vui cùng con”.
Theo lời của chú Phúc, lần đầu tiên đưa con gái ra Hà Nội học tập là cách đây 4 năm trước, và đây là lần thứ 2 chú ra thăm con thì cũng là ngày con ra trường. Cả hai lần đều có những cảm xúc khó phai.
Khi chụp ảnh kỷ yếu, thấy con gái nhờ khoác áo cử nhân, đội mũ giúp con thì người cha này cho biết cảm thấy rất lạ: “Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy bộ quần áo cử nhân của con, tôi thấy lạ và dần hiểu ra “à hóa ra bộ quần áo tốt nghiệp đại học của con đặc biệt đến vậy””.
“Tôi mong muốn con gái sau khi ra trường sẽ kiếm được một công việc làm ổn định và rồi còn xây dựng, vun đắp tổ ấm gia đình riêng của con. Phận làm cha làm mẹ chúng tôi cũng chỉ mong mỏi những điều đơn giản như vậy thôi”, chú Phúc bộc bạch.