Thời gian qua, nhiều tài xế chạy xe trên tuyến đường cầu Bạch Đằng chia sẻ trên mạng xã hội về tình trạng lún, võng của mặt cầu Bạch Đằng. Theo đó, nếu lái xe nào mới đi qua đoạn giữa 3 trụ cầu lần đầu sẽ bị giật mình vì mặt cầu lồi lõm, khó lái. Các tài xế cũng cho hay, khi chạy qua cây cầu Bạch Đằng này chỉ dám chạy 50-60km/giờ, trong khi đó tốc độ tối đa cho phép là 100km/giờ.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến nối TP.Hạ Long (Quảng Ninh) và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, rút ngắn thời gian từ TP.Hạ Long về Hà Nội còn 1,5 giờ được đầu tư theo hình thức BOT.
Dự án hoàn thành, được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra kết quả nghiệm thu và ra thông báo kết quả kiểm tra điều kiện thông xe công trình cầu Bạch Đằng tại văn bản số 29/TB-HĐNTNN ngày 31/8/2018 và được UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức thông xe từ ngày 1/9/2018.
Mặc dù mới chính thức thông xe và đi vào khai thác chưa lâu, nhưng việc xuất hiện 4 điểm lún vênh ở giữa cầu khiến dư luận lo ngại về chất lượng của cây cầu, đồng thời thắc mắc về trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra những điểm lún vênh trên cầu?
Để rộng đường dư luận, bên hành lang Quốc hội, PV báo Người Đưa Tin đã lắng nghe những chia sẻ của ĐBQH Đỗ Thị Lan (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh) về những thông tin xoay quanh cầu lún vênh.
Thưa đại biểu, cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam được đưa vào khai thác, sử dụng có ý nghĩa như thế nào với tỉnh Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh thành phố lân cận nói chung?
Tôi nghĩ, trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, không thể bố trí được nguồn lực lớn hơn 7.000 tỷ để xây dựng một cây cầu mà có lẽ hàng nghìn đời nay người dân ở Quảng Ninh cũng như ở các tỉnh đi xuống Quảng Ninh mong ước nhưng không thể làm được. Vì thế, Quảng Ninh đã mạnh dạn xin ý kiến Trung ương và kêu gọi đầu tư để bằng hình thức BOT, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng được cầu Bạch Đằng là một sự nỗ lực. Đến nay, cây cầu này cũng đã giúp rút ngắn thời gian đi từ Quảng Ninh – Hà Nội, Quảng Ninh – Hải Phòng, thậm chí đi các tỉnh… ngắn hơn so với đoạn đường trước đây. Đây là cây cầu có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội và đồng thời tạo sự giao lưu với các địa phương khác, phát triển kinh tế vùng, kinh tế đất nước.
Đại biểu có nêu lên những ý nghĩa mà cây cầu Bạch Đằng mang lại cho người dân tỉnh Quảng Ninh nói riêng và các tỉnh lân cận. Vậy, là một ĐBQH tỉnh Quảng Ninh bản thân bà cảm thấy thế nào khi hay tin cây cầu vừa đi vào sử dụng nhưng đã có hiện tượng lún, vênh?
Điều này thuộc lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn cho nên trước hết cần phải chờ kết luận của cơ quan chuyên môn cụ thể là cơ quan có trách nhiệm thẩm định, giám sát phải kiểm tra đúng theo quy trình và kết luận đúng hiện trạng thì mới có thể biết được sự lún vênh đó có ảnh hưởng đến kết cấu, thiết kế hay ảnh hưởng đến thi công?
Qua thông tin của người dân cũng như ý kiến của báo chí, tỉnh Quảng Ninh cũng đã kịp thời chỉ đạo ngay cho sở GTVT cùng cơ quan giám sát, quản lý, cùng các nhà thầu phải tiến hành kiểm tra ngay để nắm tình hình, hiện trạng ra sao. Sau đó, phải có trách nhiệm cùng cơ quan thẩm định của bộ GTVT, xem kết luận bản chất của sự lún vênh này là do đâu?
Hiện nay, nếu nhìn bằng mắt thường thì xác định do bề mặt chứ không thuộc về kết cấu. Như vậy, người dân vẫn cứ đi lại bình thường. Chúng tôi cũng đề nghị các nhà thầu phải chịu trách nhiệm để có phương án khắc phục. Nhưng, tất nhiên khắc phục thế nào cho hợp lý, đảm bảo mặt mỹ quan, cũng như đảm bảo cả sự an toàn chứ không phải chỉ phủ thêm một lớp lên rồi bảo an toàn rồi, như thế là không được.
Về việc tài xế, báo chí phản ánh về hiện tượng lún vênh trên cây cầu, được biết Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã lập tức chỉ đạo “nóng” và đề nghị các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý. Vậy theo đại biểu, khi xác định được nguyên nhân thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Theo tôi, muốn biết trách nhiệm thuộc về ai, ở đâu thì còn cần chờ kết luận của cơ quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về thẩm định, kết cấu công trình.
Còn theo kết luận của cơ quan có trách nhiệm thẩm định chất lượng cây cầu này, nếu nhà thầu hay đơn vị thiết kế trong quá trình thi công có vấn đề thì các cơ quan có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, sẽ phải có trách nhiệm khắc phục làm sao đảm bảo an toàn cũng như phát huy được công năng của cầu.
Xin cảm ơn bà!
Cầu Bạch Đằng có quy mô dài hơn 3 km gồm phần cầu chính dây văng và phần đường dẫn dài hơn 1,9 km, kết cấu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chịu được động đất cấp 8. Phần cầu chính dây văng có kết cấu 3 trụ tháp chính, trụ giữa cao 99.74 m, hai trụ tháp bên cao 94.5m, với bốn nhịp cầu dây văng.
Đây là cầu dây văng nhiều nhịp lớn thứ 3 trên thế giới và lớn nhất Việt Nam. Mặt cầu rộng 25m, được thiết kế với 4 làn xe, dự phòng nâng cấp thành 6 làn xe, phục vụ lưu thông với vận tốc 100 km/giờ.
Dự án được khởi công tháng 9/2014, có tổng chiều dài 5,3 km, tổng vốn đầu tư 7.277 tỷ đồng.