Trong một clip được tải lên kênh YouTube PigPatrol, một người đàn ông đang có chuyến đi câu cá ở Nam Mỹ. Anh ta được một hướng dẫn viên địa phương tên là Titus hỗ trợ.
Sau nhiều lần quăng dây, họ bắt được một con cá rồng nặng 2,7kg, một loài cá bản địa trong khu vực. Người đàn ông đã thả con cá ra ngay sau khi bắt được, theo AZ Animals.
5 phút sau, một con cá khác lại mắc câu, và nó lớn đến nỗi gần như giật mất cần câu của người đàn ông. Sau một hồi vật lộn, người này đã bắt được con cá khổng lồ.
Người đàn ông ước tính con cá nặng khoảng 160kg. Đây là cá Arapaima, hay còn gọi là cá hải tượng long.
Cá hải tượng long có gì đặc biệt?
Sinh sống ở lưu vực sông Amazon, hải tượng long là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, có thể dài tới 3 m và nặng 200 kg.
Loài cá này có thể hít thở không khí, cho phép chúng sống sót trong các hồ nước có mực nước thấp. Chúng có chiếc đầu dài, thường có màu xanh đồng. Cơ thể chúng có màu đen với phần giữa màu trắng, và đuôi có màu đỏ.
Cá hải tượng long có miệng hếch lên và thân hình thon gọn. Miệng của chúng hoạt động như một máy hút bụi. Khi đói, chúng mở miệng để hút thức ăn gần đó. Lưỡi và răng sắc nhọn cho phép chúng xé nhỏ con mồi.
Loại cá này có nhiều tên gọi. Ở Brazil, chúng được gọi là "piracucu", trong ngôn ngữ thổ dân Tupi có nghĩa là "cá đỏ". Ở Peru, chúng được gọi là "paiche".
Cá hải tượng long thường được tìm thấy ở Brazil, Peru và Guyana. Khả năng hít thở không khí cho phép loài cá này sống ở vùng nước có nồng độ oxy thấp và sống sót một ngày ở ngoài mặt nước.
Cá hải tượng long đẻ hàng ngàn trứng trong tổ, nở vào đầu mùa mưa giữa tháng 10 và tháng 11. Những con cá đực bảo vệ cá con bằng cách kéo chúng vào miệng phẳng, dài và di chuyển đến một vị trí khác nếu động vật săn mồi đến quá gần.
Quá trình tiến hóa mang tới cho hải tượng long một lợi thế là kích thước. Các nhà nghiên cứu ví chúng như một cỗ xe tăng chống đạn, có thể chống lại những cuộc tấn công của cá piranha.
Tuy nhiên, nạn đánh bắt quá mức dẫn tới số lượng hải tượng long sụt giảm dần. Vào thập niên 1990, nhà chức trách Brazil tiến hành các biện pháp cấm đánh bắt hải tượng long. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt trái phép vẫn tiếp diễn, khiến loài vật biến mất tại nhiều khu vực ở Amazon.
Hải Vân (T/h)