Tôi cũng hiểu được sức nóng của vấn đề này đến mức nào mà Chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga mang cuốn SGK Toán lớp 1 đến phiên họp của ủy ban Thường vụ và chỉ rõ sách kết hợp cả bài tập, thực hành khiến học sinh lớp sau không thể dùng được. Và bà Nga nêu câu hỏi: "Chúng tôi phản ánh lại ý kiến cử tri cần làm rõ vì sao mỗi năm để phí tới 100 triệu bản SGK. Tính ra một năm mất khoảng 1.000 tỷ đồng mua sách, nhưng năm sau không dùng được”. Và cũng từ đó, những dấu hỏi về lợi ích nhóm, về sự độc quyền, về sự lãng phí chi phí của xã hội cho SGK mỗi năm được đặt ra?
Trước những dấu hỏi mà dư luận xã hội đặt ra, đại diện NXB Giáo dục đã có những phân trần với báo giới. Về việc học sinh viết vào SGK, NXB này khẳng định SGK không thiết kế để học sinh viết vào.
Bài tập trong sách là do yêu cầu chuyên môn của một số môn đặc thù như Toán, tiếng Anh nên khi biên soạn các tác giả đã đưa vào dạng bài trắc nghiệm điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi... Cách này nhằm tạo hứng thú học tập, giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập theo xu thế chung của SGK ở các nước phát triển.
Về những đồn đoán lợi ích nhóm, đại diện NXB Giáo dục khẳng định làm SGK là nhiệm vụ chính trị. Và mỗi năm NXB này còn bị lỗ trên dưới 40 tỷ đồng từ việc in và phát hành SGK. Cụ thể, năm 2015 NXB Giáo dục lỗ 43,8 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 43,3 tỷ đồng; năm 2017 lỗ 38,14 tỷ đồng. Lỗ là do hiệu quả kinh doanh của các anh, chứ đó không thể lấy đó ra làm lí do biện minh cho những đồn đoán về lợi ích nhóm, về sự độc quyền.
Ngoài những phân trần trên, đại diện NXB Giáo dục còn đưa ra một bằng cho thấy đã có ý thức trong việc tránh lãng phí. Đó là để tránh học sinh điền trực tiếp vào sách, các tác giả đã có những dòng lưu ý. Ví dụ, SGK Ngữ văn 7, trang 15 (hoặc Ngữ văn 9, 11) có bài điền/viết vào chỗ trống, cuối trang sách là dòng "Học sinh chép lại và làm vào vở bài tập".
Nhưng xin thưa cuốn SGK in phần bài tập thực hành như một cuốn sách bài tập thì thử hỏi mấy học sinh sẽ lại chép y nguyên như vậy ra vở thay bằng điền luôn vào SGK có phải nhanh không. Hóa ra, lỗi gây lãng phí là do học sinh – một cách né tránh trách nhiệm khôn ngoan.
Và ngày 24/9, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ban hành 3 chỉ thị: Một là, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở; không viết, vẽ vào SGK để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỉ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần.
Hai là, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên khiến cho học sinh phải mua quá nhiều sách tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.
Ba là, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng SGK và xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Cả 3 chỉ đạo trên đều đáng hoan nghênh khi điểm trúng vào vấn đề nóng. Nhưng giá như không có đến 3 chỉ đạo đó mà vẫn có tinh thần tiết kiệm trong việc làm SGK thì tốt biết mấy. Giá như trong cuốn SGK ấy không được thiết kế như ngầm khuyến khích học sinh viết vào sách thì những bộ SGK chắc chắn sẽ theo lối “anh/chị truyền em nối”. Và giá như không có chuyện độc quyền thì chắc chắn mỗi năm không lỗ hàng chục tỷ từ việc làm SGK.
Cuối cùng, giá như vẫn chỉ là giá như…
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.