Xu hướng của mọi ngành
Theo nghiên cứu mới nhất của FPT Digital, đại dịch đã thúc đẩy đáng kể nhu cầu về sổ cái phân tán blockchain trong một số ngành như BFSI (Banking Financial Services and Insurance - Tài chính, Ngân hàng và Bảo hiểm), sản xuất, bán lẻ & thương mại điện tử và chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, khi các doanh nghiệp trên toàn cầu đang mở cửa trở lại, nhiều tổ chức đang chuyển trọng tâm sang sổ cái phân tán blockchain nhằm ứng dụng các tính năng bảo mật nâng cao cho khách hàng nhằm giảm nguy cơ bị tấn công mạng.
Công nghệ blockchain dùng cách tiếp cận theo mô hình sổ cái phân tán chuỗi khối. Sổ cái phân tán chuỗi khối đóng vai trò như một hệ thống sử dụng các máy tính độc lập để chia sẻ, ghi lại và đồng bộ hóa các giao dịch trong sổ cái điện tử.
Việc sử dụng sổ cái phân tán mang lại các lợi ích khác nhau như giảm sự kém hiệu quả trong hoạt động, tăng tốc thời gian hoàn thành giao dịch và giảm chi phí tổng thể của tổ chức bằng cách tự động hóa các nhiệm vụ quan trọng.
Các yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển bao gồm sự gia tăng chấp thuận áp dụng sổ cái chuỗi khối phân tán giữa các doanh nghiệp quy mô lớn và vừa để tăng cơ hội doanh thu cho những doanh nghiệp này và sự nâng cao nhận thức về các ứng dụng sổ cái phân tán blockchain giữa các ngành khác nhau.
Thêm vào đó, theo dự báo của Statista, thị trường blockchain toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 6,92 tỷ đô la vào năm 2021 lên 162,84 tỷ đô la vào năm 2027, với tốc độ CAGR là 66,7% (tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm) trong giai đoạn 2017-2027.
Đặc biệt, blockchain trong thị trường sản xuất được cho rằng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng trong những năm tới do nhu cầu gia tăng từ các lĩnh vực năng lượng, điện và công nghiệp trong giai đoạn tới.
Trăn trở của doanh nghiệp sản xuất
Tuy nhiên, thực tế cho thấy ngành này cũng đang còn nhiều thách thức trước mắt về vấn đề vận hành sao cho tối ưu và đáp ứng được kỳ vọng khách hàng.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất trên toàn cầu phải đối mặt với những thách thức về dự báo nhu cầu, kiểm soát hàng tồn kho, quản lý công suất nhà máy sản xuất, đảm bảo ROI, theo dõi biến động thị trường và tiến hóa đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng.
Thêm vào đó, khả năng biểu thị hoạt động vận hành bị hạn chế do chuỗi cung ứng phức tạp và mở rộng trải dài trên các khu vực địa lý khác nhau – khiến cho việc theo dõi và theo dấu sự di chuyển của nguyên liệu, thành phẩm và phụ tùng thay thế bị hạn chế khi chúng di chuyển qua các cơ sở sản xuất, kho hàng, nhà phân phối và các cửa hàng bán hàng.
Ngoài ra, còn có vấn đề gian lận bảo hành. Một số nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy gian lận của đại lý, nhà cung cấp dịch vụ lên tới con số khổng lồ 2,61 tỷ đô la hàng năm.
Nguyên nhân là do thiếu giám sát các đòi hỏi từ khách hàng theo thời gian thực một cách thông minh và chủ động, cũng như kiểm soát gian lận nội bộ không hiệu quả.
Cuối cùng, các nhà sản xuất khi sử dụng hợp đồng theo hình thức giấy tờ truyền thống sẽ có nguy cơ phát sinh những chi phí giao dịch không cần thiết (như đảm bảo thực hiện điều khoản hợp đồng bằng cách làm thủ công …), tốn thời gian xử lý hợp đồng cho nhiều quy trình nghiệp vụ dẫn tới hệ lụy thời gian quay vòng hợp đồng bị chậm.
Công nghệ blockchain đang ứng dụng trong thực tiễn sẽ loại bỏ hoặc giảm thiểu những “nỗi đau” về hạn chế theo dấu sự di chuyển nguyên liệu, gian lận bảo hành, hợp đồng theo giấy tờ truyền thống.
3 “chìa khoá" giải quyết
Vậy blockchain có thể làm gì để “giải nguy" cho ngành sản xuất?
Thứ nhất, theo dõi và truy vết chuỗi cung ứng. Đối với các nhà sản xuất, việc đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc là tối quan trọng vì nó ảnh hưởng đến việc thu hồi sản phẩm, đảm bảo tuân thủ, trải nghiệm của khách hàng và quan trọng nhất là phân phối.
Bằng cách sử dụng IoT và blockchain cùng nhau, các nhà sản xuất có thể hợp lý hóa cách họ tổng hợp, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu với các đối tác trong chuỗi cung ứng.
Các cảm biến được liên kết với IoT thu thập dữ liệu ở mọi giai đoạn của chuỗi giá trị – từ nguyên liệu thô đến thành phẩm – và lưu trữ trên mạng ngang hàng, an toàn, do đó, tạo điều kiện cho một nguồn xác thực duy nhất và cho phép tất cả các đối tác trong chuỗi có thể truy cập dữ liệu đó bất kỳ lúc nào.
Thứ hai, quản lý bảo hành. Quản lý bảo hành liền mạch không chỉ cần thiết cho nhà sản xuất để ngăn chặn gian lận và giảm thiểu chi phí mà còn rất quan trọng để mang lại trải nghiệm ấn tượng cho khách hàng.
Từ những tuyên bố sai và sản phẩm giả mạo cho đến những hiểu lầm về giá trị là những thách thức mà các nhà sản xuất phải đối mặt.
Bằng cách thu hẹp khoảng cách thông tin giữa các nhà sản xuất, nhà cung cấp bảo hành, những người tham gia khác trong chuỗi cung ứng và người tiêu dùng, blockchain giúp hợp lý hóa vòng đời bảo hành.
Hơn nữa, với tính bất biến từ cốt lõi của công nghệ sổ cái phân tán, các nhà sản xuất có thể bảo mật chặt chẽ chuỗi hành trình sản phẩm, đảm bảo không có hàng giả xâm nhập vào chuỗi cung ứng và sau đó, không có khiếu nại gian lận nào được đưa ra.
Thứ ba, hợp đồng thông minh. Blockchain cho phép thực hiện các hợp đồng thông minh, có thể hiểu là thiết lập các lập trình sẵn nhằm đáp ứng thực hiện một tập hợp các điều khoản và điều kiện hợp đồng đã được thỏa thuận.
Trong sản xuất, các hợp đồng thông minh như vậy có thể giúp giảm chi phí giao dịch cao không cần thiết, giảm thiểu thủ tục giấy tờ và đẩy nhanh thời gian quay vòng đáng kể.
Ví dụ, hợp đồng thông minh giữa nhà bán lẻ và nhà sản xuất có thể liên quan đến việc tự động giải quyết các hóa đơn sau khi các điều khoản thanh toán được đáp ứng. Sử dụng dữ liệu thu thập từ các cảm biến trên toàn bộ chuỗi cung ứng, hợp đồng thông minh có thể xác định xem các điều kiện quyết định trước liên quan đến việc giao hàng thành công sản phẩm đã được thực hiện hay chưa và sau đó, tiến hành thanh toán.