Tinh túy của trời đất
Những lão ngư cả đời đắm mình với biển khơi, kể cho nghe về một thứ nghề đặc biệt, duy nhất chỉ có ở cái làng chài này. Thậm chí các cụ còn thách thức chúng tôi rằng: “Các chú có đi khắp đất nước này cũng chẳng có nơi thứ hai có cái nghề này?”.
Lúc này người “giữ sử làng” Đặng Dùng mới chậm rãi lên tiếng: “Có lẽ mấy lần trước các cháu về đây không đúng dịp nên bác chưa có dịp kể cho các cháu nghe về thứ đặc sản đặc biệt của cái làng này ngoài nước mắm. Nó được coi là tinh túy của đất trời, sinh ra trong điều kiện khắc nghiệt nhất, được những người ngư dân quanh năm ăn sóng, nói gió gọi bằng cái tên vô cùng dân dã là “mứt”.
Các cụ bô lão thông thạo Hán ngữ sính chữ nghĩa thì đặt cho nó cái tên huyền tảo. Từ rất xa xưa, người dân Nam Ô đã biết khai thác và sử dụng món ăn của đất trời này, trước cả “các chú” người Hoa. Người Nam Ô vẫn tự hào kể lại rằng, những thương nhân người Hoa ở chợ lớn trong những lần ghé Nam Ô thu gom vây cá ngừ đã biết được món ăn lạ, nhưng rất đặc biệt này”.
Bà Nga phân loại mứt tươi.
Sau những chuyến hàng thắng lớn đầu tiên đó, các thương nhân người Hoa không chỉ lặn lội “ăn chực nằm chờ” ròng rã nhiều tháng liền để thu mua được thứ tinh túy của đất trời về làm món “đặc biệt” trong những nhà hàng sang trọng bậc nhất ở Chợ Lớn. Họ cũng không quên mang theo huyền tảo trong những chuyến hành hương trở về quê hương xứ sở bên Trung Quốc xa xôi. Thế nhưng dù đi đâu người Hoa cũng chưa một lần đổi tên, mà vẫn gọi bằng cái tên rất đỗi mĩ miều, gợi hình là “tóc tiên”. Cái tên tóc tiên gắn liền với một truyền thuyết giải thích về sự sớm hiểu biết và những giá trị tuyệt vời của thứ thực phẩm “trời sinh” đó của người dân làng chài Nam Ô. Họ vẫn thường kể cho nhau nghe vào những đêm trăng sáng.
Truyền thuyết kể rằng, vào thời xa xưa từ thuở theo chân các vua Lê vào đất Champa mở cõi, khi cư dân làng Nam Ô còn mông muội chỉ biết độc một nghề chài lưới, quanh năm làm bạn với sông nước, chưa biết làm lúa như bây giờ. Bữa ăn lúc nào cũng đầy ắp hải sản. Những khi giáp hạt, người nông dân không có thóc để mang đi đổi lấy hải sản, khiến những hạt cơm càng trở nên hiếm hoi trong bữa ăn. Đấy là khi thuyền còn ra khơi được, chứ đến tháng Mười hàng năm khi biển động, họ không biết lấy gì để có thể đổi gạo giữ bữa hàng ngày.
Trong làng có nhà ông Câu, đông con, nhà nghèo thường xuyên phải chạy ăn từng bữa. Ông đành phải bấm bụng vác cần ra ghềnh những mong tìm được con cá về nấu cháo cho các con ăn. Cá chưa kịp cắn câu thì người đã lả đi vì đói. Ông đắm mình trong một giấc mơ kỳ lạ. Ông mơ thấy một bà tiên tóc đen huyền dài thướt tha bay lướt qua ông. Đôi mắt hoa lên vì đói, dạ dày sôi lên vì chưa có gì nhét vào bụng, ông quàng hai tay lên mái tóc đen huyền đó đưa vào miệng. Thấy tóc có vị mặn, dịu mát, đậm đà hương vị của biển khơi. Ông ăn mãi, ăn mãi nhưng không có cảm giác chán mà chỉ thấy cơ thể mình như được tiếp thêm nguồn sinh lực. Đúng lúc đó thì một cơn sóng lớn ụp lên ghềnh đá khiến ông choàng tỉnh, trong tay vẫn còn nắm chặt một mớ rêu biển đen mềm. Ông Câu nghĩ rằng tiên hiện ra cứu khổ dân làng, vội thu một mớ rong rêu mà ông gọi là “tóc tiên” đem về cứu đói cho dân làng.
Ghềnh đá Nam Ô, một trong những bãi đáp ưa thích của dân “ăn mứt” bộ.
Phải mạo hiểm mới “ăn” được “lộc trời”
Hằng năm, từ khoảng đầu tháng 10 đến giữa tháng Chạp âm lịch khi tiết trời bắt đầu chuyển lạnh, những dòng nước ngọt đỏ au phù sa từ thượng nguồn đổ về cùng với những con sóng cuồng nộ của biển khơi vào mùa biển động, cũng là lúc “thức ăn trời sinh” bắt đầu sinh sôi nảy nở. Trên những tảng đá sát mép nước bao quanh các gành đá khu vực cửa sông Cu Đê, bao quanh các mỏm đá phía Nam chân đèo Hải Vân, phía Bắc bán đảo Sơn Trà là những nơi mứt lựa chọn để sinh sôi nảy nở. Theo cô Nguyễn Thị Tố Nga (SN 1959, ngụ tổ 116, Hòa Hiệp Nam) thì: “Trong điều kiện thời tiết thích hợp nhất (theo bà Nga thì sáng nắng chiều mưa) chỉ từ mươi ngày đến nửa tháng, mứt có thể dài ra, để lâu có thể dài ra từ 3-4 tấc, đen nhánh như tóc”.
Mứt được những người ngư dân ở đây chia làm hai loại, loại to bản bè ra thường được gọi là mứt lá, còn một loại mảnh mai dài ra như những sợi tóc thường gọi là mứt tóc. Trong hai loại mứt thì mứt lá là loại được ưa dùng và có giá trị cao hơn. Hiện nay, mứt không chỉ còn là một món ăn quen thuộc trong bữa cơm của người dân Nam Ô nữa. Mứt đã trở thành một món chay không thể thiếu trong bữa cơm chay của những người theo đạo Phật ở Đà Nẵng, xuất hiện trong các nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn, Hà Nội, hay tận bên Trung Quốc, Nhật Bản xa xôi.
Cũng chính từ đây xuất hiện đội quân “ăn mứt” chuyên nghiệp hơn dù nghề mứt có từ trước đây rất lâu. Ngày trước những người “ăn mứt” chuyên nghiệp thường tự trang bị cho mình một cái gùi tre (như cái gùi bằng mây của người dân tộc thiểu số), một cái cảu (như cái rổ) đan bằng tre sâu bụng hẹp miệng và 5 đến 6 cái “dũm” (dũm thường được làm từ sắt tây cắt hình tròn tận dụng từ thùng phuy đựng xăng dầu, có đường kính khoảng 10cm) để cạo mứt. Cạo là cách thu hái, chỉ dành cho những ai có đầy đủ các tố chất như gan dạ, phản ứng nhanh nhẹn, thủ pháp lanh lẹ, quen sóng gió. Ngày nay chỉ mang theo mấy cái bao tời, trong đó có một bao miệng lận vành sắt tròn làm đồ chứa mứt trong lúc cạo.
Người theo nghề “ăn mứt” có hai cách để đến điểm “ăn mứt”: “ăn mứt” bộ và “ăn mứt” ghe. Những ngày biển động, ghe không xuất bến được thì đi “ăn” bộ, từ 2h sáng, một nhóm từ 5-7 người thức dậy đi bộ ra những nơi “ăn mứt”, nhưng chỉ đến được những bãi gần. Đi “ăn mứt” ghe, mỗi ghe hơn chục người, dậy từ 3h sáng. Có những ngày trời ban lộc khi trúng những ghềnh đá chưa có người đến khai thác mứt, những người giỏi có thể kiếm từ 1,5-2 triệu đồng sau chưa đầy hai tiếng khai thác mứt. Bà Nga còn cho biết thêm con trai bà có tháng “trúng” có thể kiếm từ 30 đến 45 triệu đồng, một mức thu nhập khiến nhiều người phải giật mình. Thế nhưng không phải ai cũng đủ bản lĩnh đi “ăn mứt” khi những điểm đến “ăn mứt” thường có gió to, sóng lớn, rất nguy hiểm.
Thức ăn bồi bổ được Trung Quốc, Nhật Bản ưa chuộng Mứt biển hay còn gọi là rong mứt Porphyra thuộc ngành rong đỏ biển phát triển mạnh mẽ, mọc thành từng cụm phủ dày trên các khe, ghềnh đá ở các rạng đá Ngầm, bãi Rạng của bán đảo Sơn Trà và các bãi đá thuộc khu vực Nam Ô, Hòa Vân, chân đèo Hải Vân... Mứt là món quà quý của biển có giá trị dinh dưỡng cao, với hàm lượng chủ yếu là protein, carbohydrate, vitamin B, B2, A, C, nhiều nguyên tố vi lượng và khoáng, hàm lượng calory rất thấp, rất thích hợp cho những người ăn kiêng, người bị tiểu đường. Là thức ăn bồi bổ sức khỏe rất được ưa chuộng, nên những năm gần đây, rong mứt được thu mua với giá rất cao để xuất khẩu, nhiều nhất là sang Trung Quốc, Nhật Bản... |
Nguyễn Cường