Cầu Phước Lộc nằm ở cuối đường Đào Sư Tích, nối xã Phước Kiển với xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè), tổng số vốn là 405 tỷ đồng.
Công trình được khởi công tháng 6/2012, dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thay cho cầu cũ bằng sắt rộng hơn 2m đã xuống cấp do xây từ hơn 20 năm trước.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2013, dự án phải dừng do vướng mặt bằng. Đến năm 2019, huyện Nhà Bè đẩy nhanh việc bồi thường và đến tháng 6/2020 đã bàn giao toàn bộ. Sau khi tiếp nhận mặt bằng, chủ đầu tư đã đẩy nhanh tiến độ dự án nhằm hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2021.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM chia sẻ: “Sự kiện cầu Phước Lộc thông xe là biểu tượng của sự hội tụ 3 yếu tố.
Đó là sự quan tâm của chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, sự cố gắng, chủ động của chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công và quan trọng nhất là sự đồng lòng, chia sẻ của bà con”.
Cầu Phước Lộc có chiều dài 386m bao gồm 13 nhịp bê tông cốt thép, mặt cắt ngang 10,5m. Cầu đảm bảo lưu thông cho 2 làn xe hỗn hợp cùng lề bộ hành và hệ thống lan can bảo vệ.
Chiều dài đường đầu cầu phía xã Phước Kiển dài 143m, phía xã Phước Lộc dài 180m. Dự án cầu Phước Lộc cũng được xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh.
Cầu Phước Lộc mới khi đi vào hoạt động sẽ thay thế cầu hiện hữu. Cầu Phước Lộc cũ chỉ dài 72m, mặt cầu chỉ rộng 2,3m, không có lề bộ hành và đã xuống cấp trầm trọng.
Hiện nay, cầu Phước Lộc cũ khống chế phương tiện qua cầu, chỉ cho người và xe 2 bánh lưu thông, tải trọng khống chế là 0,5 tấn.
Trong nhiều năm qua, việc lưu thông của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Nhiều người dân chia sẻ, cầu Phước Lộc mới là cây cầu mọi người trông đợi từ rất lâu. Trước đây, xe ô tô không thể đi qua cầu cũ nên muốn qua phải đi vòng rất xa và mất thời gian.
“Đặc biệt, những khi có sự cố xảy ra, xe cấp cứu cũng không vào được, người dân phải chở nạn nhân bằng xe máy đi qua cầu, sau đó mới đưa lên xe cấp cứu được. Sau khi cầu mới được thông xe, việc đi lại, di chuyển của người dân nơi đây sẽ thuận lợi", một người dân chia sẻ.
Cầu Phước Lộc sau khi được đưa vào sử dụng sẽ kết nối lưu thông trực tiếp từ trung tâm thành phố qua xã Phước Lộc, tạo tuyến kết nối liên quận huyện. Đồng thời, giữ vai trò kết nối trục đường thủy quốc gia là tuyến rạch Ông Lớn – kênh Cây Khô – sông Cần Giuộc với tuyến hàng hải là tuyến tàu biển Soài Rạp.
Nhiều công trình về đích trước Tết Nguyên đán 2021
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết:
Trong kế hoạch từ nay đến trước Tết Nguyên đán, bên cạnh cầu An Phú Đông và cầu Phước Lộc đã được thông xe, sẽ có 5 công trình, dự án tiếp tục được hoàn thành. Cụ thể, các công trình sẽ hoàn thành trước ngày 3/2/2021 là: Thông xe đoạn dự án cải tạo đường Huỳnh Tấn Phát từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh (huyện Nhà Bè); cầu Mỹ Thủy 3 nằm trong dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy (quận 2); Nhánh 1 Cầu Kênh A (huyện Bình Chánh); Gói thầu số 2, số 3 Dự án cải tạo Hương lộ 11 (huyện Bình Chánh).
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng tổng rà soát các dự án, công trình đang thi công để thu hẹp rào chắn, dọn dẹp mặt bằng để hạn chế ảnh hưởng việc đi lại, sinh hoạt của người dân, đảm bảo an toàn trong dịp Tết Nguyên đán 2021.
Ngoài ra, sẽ có 2 công trình thi công xuyên Tết là công trình cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và công trình cải tạo đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh).