Cầu Sài Gòn 2 và cuộc tìm kiếm cách nửa thế kỷ

Cầu Sài Gòn 2 và cuộc tìm kiếm cách nửa thế kỷ

Thứ 3, 03/12/2013 08:46

Sao không thiết kế cầu Sài Gòn 2 dịch về hạ lưu để hạn chế rủi ro? Những người thiết kế cất công hàng tháng trời tìm kiếm tài liệu từ nửa thế kỷ trước mới tìm ra phương án tối ưu cho cầu Sài Gòn 2.

Đã hơn tháng nay, mỗi ngày hàng vạn người vẫn đi, về trên cầu Sài Gòn 2. Nhưng ít người biết, để có cây cầu này những người thiết kế cầu Sài Gòn 2 đã phải cất công tìm kiếm tài liệu, hồ sơ từ nửa thế kỷ trước và nghiên cứu hàng tháng trời mới tìm ra phương án tối ưu, xây dựng thành công cầu trong vòng 18 tháng, rút ngắn tiến độ 3 tháng so với hợp đồng, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách.

Sục sạo tìm kiếm hồ sơ từ 50 năm trước

Sau hơn 50 năm đưa vào khai thác, với lưu lượng trên 40.000 lượt phương tiện/ngày đêm, dấu hiệu già nua của cầu Sài Gòn 1 đã bộc lộ rõ. Dù đã được sửa chữa nhiều lần nhưng nếu không có thêm một cây cầu thứ 2 để san sẻ gánh nặng thì cầu Sài Gòn 1 khó giữ thêm tuổi thọ. Chính vì vậy, năm 2009, UBND TP HCM có chủ trương xây dựng cầu Sài Gòn 2. Nhưng vì nhiều lý do, đến năm 2011, dự án mới khởi động nghiên cứu. Bài toán khó khăn mà thành phố đặt ra cho đơn vị thiết kế là bằng mọi giá phải giữ được kiến trúc phù hợp với cảnh quan tương ứng cầu Sài Gòn hiện hữu, đồng thời vẫn phải đảm bảo về kỹ thuật, mỹ thuật và chịu được tải trọng lớn.

Ông Nguyễn Trọng Bình - chủ nhiệm đồ án thuộc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế B.R, đơn vị chịu trách nhiệm khảo sát, thiết kế cầu Sài Gòn 2 cho biết, thực ra bài toán về mặt kiến trúc không khó, những phần nổi trên mặt nước như trụ cầu hình chữ A, lan can, cao độ… có thể khảo sát, đo đạc, thiết kế thực hiện chính xác. Cái khó là phần móng cọc trụ cầu cũ chìm dưới đất, công tác tiếp cận, khảo sát rất nan giải.

Xã hội - Cầu Sài Gòn 2 và cuộc tìm kiếm cách nửa thế kỷ

Những người thiết kế phải cất công hàng tháng trời tìm kiếm tài liệu từ nửa thế kỷ trước mới tìm ra phương án tối ưu cho cầu Sài Gòn

Theo thiết kế, cầu Sài Gòn 2 có 29 trụ với cao độ mũi cọc trụ nhịp dẫn là -53m, hai trụ chính T15, T16 có cao độ mũi cọc -79 m. Cầu Sài Gòn 2 chỉ cách cầu Sài Gòn 1 khoảng 3m về phía hạ lưu. Ông Bình cho biết, nếu không nắm được chính xác vị trí cọc cầu Sài Gòn 1 thì trong quá trình khoan cọc nhồi cầu Sài Gòn 2, đặc biệt là các trụ T15, T16 giữa sông, khả năng đụng vào cọc của các trụ cầu Sài Gòn 1 là hiện hữu. Nếu điều này xảy ra, không những ảnh hưởng đến điều kiện làm việc, an toàn khai thác của cầu Sài Gòn 1 mà còn phải mất khá nhiều thời gian, kinh phí để khắc phục, điều chỉnh móng cho cầu Sài Gòn 2.

Nhiều chuyên gia và người dân đặt câu hỏi: Sao không thể thiết kế cầu Sài Gòn 2 dịch về hạ lưu để hạn chế rủi ro? Ông Bình cho rằng, phương án này không khả thi vì ở phía bờ Bình Thạnh bên tay phải đã vướng cầu Nguyễn Hữu Cảnh. Do vậy, điểm mấu chốt và quyết định thành bại là làm sao tìm được hồ sơ hoàn công của cầu Sài Gòn cũ, đã hoàn thành cách đây nửa thế kỷ. Cả chủ đầu tư, tư vấn đã cất công sục sạo khắp mọi nơi, gặp gỡ đủ những người có liên quan để đi tìm nguồn tư liệu của dự án. Tốn rất nhiều thời gian nhưng kết quả chẳng thu được bao nhiêu. Nhiều khi nản quá, tư vấn lại loay hoay với nhiều phương án, trong đó có cả phương án bảo vệ cầu cũ, điều chỉnh linh hoạt vị trí cọc trụ để hạn chế thấp ảnh hưởng đến tiến độ thi công cầu Sài Gòn 2 nếu không tìm được hồ sơ của cầu Sài Gòn 1.

“Ơ-rê-ca”

Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng cơ hội hiếm có đã đến. Ông Dương Quan Châu - giám đốc công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) cho biết: “Trong lúc bế tắc nhất, chúng tôi chợt nhớ là năm 2011, Công ty Freyssinet đã từng được thành phố giao thực hiện dự án sửa chữa cầu Sài Gòn 1. Ngay lập tức, chúng tôi liên lạc với đơn vị này và thật may là họ có toàn bộ hồ sơ hoàn công của cầu Sài Gòn 1 được lập từ năm 1961 sau khi công trình hoàn thành”, ông Châu nói.

Nhớ lại những ngày đó, ông Bình kể, tập hồ sơ dày cả mấy trăm trang với đầy đủ các bản vẽ thiết kế, các trụ, mố cầu, những bức hình chụp cầu Sài Gòn 1 từ trên trực thăng cũng được lưu giữ cẩn thận. Tất cả các thông tin đều được viết bằng tiếng Anh. Tôi dành cả tháng trời để đọc toàn bộ hồ sơ hoàn công của công trình cầu Sài Gòn 1. “Niềm xúc động trào dâng đến độ tôi không kiểm soát nổi mình và hét to “Ơ - rê - ca” (tìm ra rồi) khi tôi thực sự “bắt mạch” được toàn bộ cầu Sài Gòn 1 để phục vụ thiết kế cầu Sài Gòn 2” - ông Bình nhớ lại.

Theo hồ sơ hoàn công của cầu Sài Gòn 1, các cọc trụ cầu, kể cả trụ chính được đóng xiên theo phương dọc và ngang cầu để chịu lực ngang tốt hơn. Trong khi phương án thi công cầu Sài Gòn 2 là khoan cọc nhồi thì phải khoan theo chiều đứng, như vậy nếu không khảo sát kỹ thì có thể khi khoan sẽ đụng ngay vào cọc trụ cầu Sài Gòn 1. Trên cơ sở hồ sơ hoàn công năm 1961 về vị trí cọc, chiều dài, độ xiên, đơn vị tư vấn đã tiến hành khảo sát, định vị chính xác vị trí trụ và cọc cầu Sài Gòn 1, từ đó quyết định chọn vị trí của các cọc khoan nhồi của cầu Sài Gòn 2 phù hợp để đảm bảo an toàn cho cầu cũ cũng như hạn chế thấp nhất các phát sinh, điều chỉnh trong quá trình thi công.

Cũng theo thiết kế, trong 16 cọc khoan nhồi ở trụ T15, T16 của cầu Sài Gòn 2 thì 4 cọc phía thượng lưu sát cầu cũ, chỉ cách các cọc biên của cầu Sài Gòn 1 là 0,6m được bảo vệ bằng ống vách thép sâu 50m (nằm sâu hơn dưới mũi cọc cầu Sài Gòn 1). Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cầu cũ, nhà thầu sẽ thi công khoan 4 cọc này trước để nếu gặp trục trặc sẽ dễ dàng điều chỉnh.

“Đây là những điểm găng của toàn bộ dự án. Trường hợp có rủi ro thì sẽ có phương án điều chỉnh để không ảnh hưởng đến tiến độ chung ” - ông Bùi Thái Hà, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, đơn vị chịu trách nhiệm thi công 2 trụ chính T15, T16 cho biết. Và thực tế cho thấy, trên cơ sở hồ sơ của cầu cũ, tư vấn, nhà thầu đã tiến hoàn khoan thành công các cọc khoan nhồi ở trục T15, T16 của cầu Sài Gòn 2 mà không gặp sự cố nào.

Dự án cầu Sài Gòn 2 đã được Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM lên kế hoạch hoàn thành trong vòng 21 tháng, rút ngắn tiến độ so với các đơn vị thiết kế trước đó. Và thực tế thi công đã rút xuống còn 18 tháng, tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách. Sau khi đưa vào sử dụng đã giải quyết triệt để điểm nghẽn ở cửa ngõ phía Đông Bắc của TP HCM.

Giờ đây, nhớ đến cầu Sài Gòn 2, những người tham gia dự án từ những ngày đầu không quên sự khổ công tìm kiếm tài liệu, hồ sơ từ nửa thế kỷ trước. Và trong câu chuyện vui của những ngày dự án đi vào giai đoạn hoàn tất các hồ sơ thủ tục, không ít người lại đặt câu hỏi, liệu bản hồ sơ hoàn công của cầu Sài Gòn 2 có được làm một cách chi tiết, chuyên nghiệp như bản hồ sơ hoàn công của cầu Sài Gòn 1 cách đây 50 năm không? Và 50 năm sau, bản hồ sơ hoàn công của cầu Sài Gòn 2 có còn được lưu giữ?!

Cầu Sài Gòn 1 do Công ty Johnson Drake and Piper thực hiện trong 4 năm, được khởi công xây dựng từ 11/1958 và hoàn thành ngày 28/6/1961. Cầu dài 1.010m, gồm 22 nhịp, trong đó có 3 nhịp chính với chiều dài 267,45m. Cầu được thiết kế với 3 nhịp chính là dầm thép và thân trụ dạng cột với mức chịu tải là 25 tấn. Phương pháp thi công mố trụ cầu lúc đó là đóng cọc.

Cầu Sài Gòn 2 do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh thực hiện trong 18 tháng, khởi công xây dựng ngày 14/4/2012 hoàn thành ngày 15/10/2013. Cầu Sài Gòn 2 cách cầu Sài Gòn 1 khoảng 3m về phía hạ lưu, có tổng chiều dài hơn 987m, gồm 30 nhịp. Kết cấu nhịp chính được bố trí theo sơ đồ 5 nhịp liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực.

Theo Giao thông vận tải

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.