Michael Kinsella, cựu cầu thủ trẻ Liverpool, được ra tù tháng 11 năm ngoái sau 6 năm ngồi bóc lịch vì buôn thuốc phiện. Anh đã dành vài tháng qua đến thăm các CLB và cảnh báo các cầu thủ về nguy hiểm chờ đợi họ khi sự nghiệp kết thúc. Câu chuyện của Kinsella phạm tội để có tiền giữ lại căn nhà ở Tây Ban Nha và một vài chiếc xe đua tốc độ, không phải là chuyện lạ. Đã có gần 150 cựu cầu thủ bóng đá hiện đang ngồi tù, phần lớn là vì buôn thuốc phiện.
Kinsella nhớ lại: “Tôi là một con người xấu tính và hay nóng giận, đi vào con đường buôn thuốc phiện vì tham lam và được cho nhiều tiền. Chuyện đó có thể xảy ra với bất kì ai. Nhiều cầu thủ sẽ có bạn bè ở các nơi như tôi. Khi sự nghiệp cầu thủ kế thúc, và không được giáo dục tử tế, cám dỗ ở khắp nơi. Tôi rời Tranmere năm 20 tuổi. Ở tuổi 25, tôi kiếm được tiền từ việc buôn thuốc phiện ngang bằng lương các cầu thủ ở Premier League.
Morecambe và Chester từng đề nghị tôi mức lương 200 bảng 1 tuần, và tôi chẳng thèm quan tâm. Tôi không muốn thêm cầu thủ nào phải ngồi tù nữa. Tôi hỏi một người năm nay 32 tuổi sẽ làm gì tiếp theo. Anh ta không biết. Anh ấy giải nghệ mà chẳng có xu nào”.
Rất nhiều bi kịch
Không phải cầu thủ nào sau khi đội bóng không gia hạn hợp đồng cũng phải ngồi sau chấn song sắt, nhưng những câu chuyện như thế để lại nỗi lo đối với một môn thể thao bị ám ảnh bởi tiền bạc và danh tiếng. Tỉ lệ những người bị trầm cảm, nghiện ngập, gặp khó khăn về kinh tế và dính vào tù tội sau khi bị các đội bóng đẩy ra đường đang tăng ở mức báo động.
Alan Hudson là một cựu cầu thủ từng được yêu mến ở Chelsea, Stoke và Arsenal, giải nghệ năm 1985. Ông thừa nhận khi không còn là trung tâm của sự chú ý giống như là đã chết rồi vậy: “Không ai biết điều đó đau đớn đến mức nào. Tôi thấy vấn đề lớn nhất của tôi là ham cờ bạc. Tôi đã thua đến 200 nghìn bảng, và kết thúc bằng việc sống với 30 bảng 1 tuần”. Cựu cầu thủ của Charlton Paul Mortimer, hiện làm việc cho Ủy ban tư vấn của PFA cũng gặp vấn đề khi giải nghệ: “Tôi bị trầm cảm trong 18 tháng đầu tiên sau khi giải nghệ. Tôi không thể ra khỏi giường”.
Cựu cầu thủ Crystal Palace Gavin Heeroo hiện là chuyên gia thể lực riêng cho các cựu cầu thủ bóng đá ở công ty Fitness Focus UK. Heeroo nhớ lại: “Tôi từ chỗ là một đứa trẻ nghèo khó đến trở thành cầu thủ của Palce, và sau đó không còn đồng nào khi ra đi. Nhưng tôi vẫn muốn tiếp tục cuộc sống thượng lưu, với căn hộ, kì nghỉ lễ và chiếc Mercedes. Tôi đánh bạc vì muốn có tiền trả cho những thứ đó. Đó là những cạm bẫy đáng sợ”.
Cần sự giúp đỡ của cộng đồng
Oshor Williams, chủ tịch Hiệp hội các cầu thủ chuyên nghiệp (PFA) cho biết: “Chúng tôi nhận được hàng trăm cuộc gọi từ các cầu thủ hết hợp đồng. Với những cầu thủ ở đẳng cấp cao, vấn đề là mất đi danh tiếng, và cần một thử thách mới. Còn với những người bị các đội như Accrington Stanley (đang thi đấu ở giải hạng 3) thải loại, họ lo lắng vì không có tiền”.
PFA dành phần lớn trong ngân sách giáo dục 8 triệu bảng để đào tạo các cầu thủ một nghề mới. Ngoài các khóa học phổ biến về khoa học thể thao, vật lí trị liệu, quản lí thể thao và báo chí, họ cũng đầu tư đào tạo phi công, bác sĩ và công nhân khoan dầu.
Chủ tịch PFA Clark Carlisle sẽ xuất hiện trong một bộ phim tài liệu của BBC vào mùa hè năm nay, nói với các cựu cầu thủ về vấn đề với thói nghiện rượu và chứng trầm cảm. PFA nhấn mạnh họ sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ những cựu cầu thủ chuyên nghiệp với cuộc sống sau bóng đá của họ.
Rõ ràng, cần phải cho các cầu thủ chuyên nghiệp cơ hội và mục đích sau khi giải nghệ để tránh gặp vấn đề với cuộc sống của họ. Và Michael Kinsella là một trong những người hy vọng trong số 700 cầu thủ bị thải loại năm 2013, không có ai phải ngồi sau chấn song như anh.
Theo Thể thao Văn hóa