Những bước đi gian nan
Chưa bao giờ, "trào lưu" xuất ngoại của các cầu thủ Việt Nam lại bùng nổ và được quan tâm nhiều đến thế. Đầu tiên, lứa cầu thủ của Học viên bóng đá HAGL với những Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh gây được tiếng vang lớn khi trình diễn kỹ thuật cá nhân tốt cùng một lối đá hoa mỹ, say đắm lòng người.
Chính lối chơi đẹp và vô cùng kỹ thuật của lứa cầu thủ khóa I của Học viện HAGL đã giúp Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường lần lượt được ra nước ngoài thử sức.
Thế nhưng, ở lần xuất ngoại này, cả ba ngôi sao sáng giá của bóng đá Việt Nam trong tương lai đã không thể hiện được mình và liên tục phải ngồi dự bị. Tháng 12 năm 2015, Công Phượng được Mito Hollyhock (J-League 2) chiêu mộ theo bản hợp đồng cho mượn với giá tượng trưng khoảng hơn 2 tỷ VNĐ, thời hạn 1 năm. Gần 5 tháng sau lễ ký kết, Công Phượng được ra sân lần đầu, với khoảng 5 phút trên sân.
Tiếp đến là trường hợp của Xuân Trường, sau hai năm mài dũa ở Hàn Quốc, dù nỗ lực nhưng thành công vẫn không mỉm cười với anh. Số lần được thi đấu trong cả màu áo Incheon United và Gangwon United của tiền vệ gốc Tuyên Quang chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thất bại trong việc thử sức ở nước ngoài buộc HAGL phải triệu tập Phượng và Trường trở lại Việt Nam để cả hai có cơ hội thi đấu nhiều hơn. Khái niệm xuất ngoại của cầu thủ Việt cũng vì thế bẵng đi một thời gian và chỉ thực sự quay trở lại sau những thành công ngoài mong đợi của bóng đá Việt Nam trong suốt hơn một năm qua.
Sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018 và đặc biệt là thành tích lọt vào tứ kết Asian Cup 2019, các cầu thủ Việt Nam lại một lần nữa được các CLB nước ngoài để ý.
Lần này, có ba cái tên được xuất ngoại đó là Văn Lâm, Công Phượng và Xuân Trường. Công Phượng được HAGL chuyển hướng sang Incheon Utd của Hàn Quốc, cũng với bản hợp đồng 1 năm theo dạng cho mượn. Thế nhưng chỉ sau 4 tháng, tiền đạo của Việt Nam buộc phải xin về.
Còn với trường hợp của Xuân Trường cũng không khá khẩm hơn là bao. Sau 15 vòng đấu tại Thai League, anh được đội bóng Buriram United cho ra sân tổng cộng hơn 300 phút, ghi 1 bàn, 1 đường kiến tạo và phải trở về nước khi chưa hết hợp đồng.
Đã thực sự đủ sức để chinh chiến ở nước ngoài?
Nếu xét về chuyên môn, các cầu thủ Việt Nam không hề thua kém bất kỳ đối thủ nào bởi chúng ta sở hữu tố chất kỹ thuật khá tốt. Tuy nhiên, điểm bất lợi mà họ phải đối mặt chính là thể hình, thể lực không lý tưởng. Có thể nhận thấy, hầu hết các cầu thủ Việt Nam thường có thể hình thấp bé, nhẹ cân nên thường gặp bất lợi trong việc tranh chấp tay đôi hay chống bóng bổng.
Điều này được chứng minh khi Công Phượng và Xuân Trường ra nước ngoài thi đấu. Dù có tố chất kỹ thuật nhưng vóc dáng nhỏ con, nền tảng thể lực không thực sự tốt khiến hai cầu thủ này thường xuyên gặp bất lợi khi phải tranh chấp với những cầu thủ cao to.
Nói xa hơn một chút, những Huỳnh Đức, Công Vinh, Việt Thắng hay Hữu Thắng cũng đã phải đối mặt với những tình huống tương tự và phải rất vất vả để thích nghi những hiệu quả cũng không quá tốt. Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, các cầu thủ trẻ của chúng ta đã được quan tâm hơn về mặt giao tiếp khi được học những kỹ năng cơ bản nhất về tiếng Anh. Bên cạnh đó, sự tự tin của các cầu thủ cũng được cải thiện lên rất nhiều nhưng thể hình và thể lực vẫn là hạn chế chưa thể khắc phục.
Dù kỹ thuật tốt nhưng thể hình và thể lực không đảm bảo là nguyên nhân chính khiến cầu thủ Việt Nam có thành công khi ra nước ngoài thi đấu. Có lẽ người có chiều cao tốt nhất ĐTQG Việt Nam ở thời điểm hiện tại là Văn Hậu (1m83) cũng khó có thể thi đấu tốt ở nước ngoài vì sức mạnh và thể lực cũng không phải là quá tốt.
Vậy nên, công bằng mà nói dù các cầu thủ của chúng ta có tố chất kỹ thuật tốt thì cũng rất khó để họ có thể tỏa sang ở các giải đấu ngoại. Nói cách khác là ở thời điểm hiện tại, cầu thủ Việt Nam vẫn chưa đủ sức để chinh chiến ở các CLB nước ngoài.
Đương nhiên, nếu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trong thời gian tới có những biện pháp hợp lý để nâng cao sức bền, sức mạnh và thể lực cho các tuyển thu thì với tố chất kỹ thuật vốn có, họ sẽ có thể thích nghi và có thể thi đấu tốt ở nước ngoài.