Và rồi, một “phiên chợ tình Sapa thu nhỏ” được hình thành giữa khung cảnh lãng mạn, hữu tình ngay tại vùng biên giới Tây Nguyên. Chính nơi đây, nhiều mối tình đã vượt mọi rào cản về phong tục, tập quán, văn hoá… ươm những hạt mầm hạnh phúc trên vùng đất đặc biệt khó khăn của huyện Chư Prông-Gia Lai.
Cầu Tình nối kết tình đồng bào. |
"Chợ Tình" bên suối Lốp
Là người gắn với vùng đất này từ những ngày đầu tiên, ông Đinh Trọng Linh, một trong số hộ dân tộc Mường di dân theo chủ trương của nhà nước năm 1993 cho biết: “Chúng tôi đến vùng đất này trong muôn vàn bỡ ngỡ, khốn khó. Nhưng tháng mùa mưa nơi đây nước chảy xiết không thể đi được, mùa nắng, rừng khô cỏ cháy, nước nôi cạn kiệt.
Đã có muôn vàn khó khăn trên vùng đất này, hơn 10 hộ di dân người Mường đã hồi hương trở về quê cũ, 18 hộ dân còn lại cùng đùm bọc, che chở nhau để vượt qua điều kiện khốn khó”.
Sự kiên trì, nhẫn nại và chịu thương, chịu khó trong lao động, sản xuất, vài năm sau, đời sống của các hộ đồng bào dân tộc Mường di dân ban đầu từng bước đi vào ổn định. Biết được sự định cư ổn định của người Mường trên vùng đất Ia Lâu (huyện Chư Prông, Gia Lai), nhiều hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số khác từ vùng núi các tỉnh phía Bắc đã tự tin theo chương trình di dân của nhà nước tiếp bước vào vùng đất Ia Lâu đầy khắc nghiệt để định cư, phát triển sản xuất.
Tháng 6 năm 2002, xã Ia Piơr được thành lập và được tách ra từ xã Ia Lâu với tổng số 11 dân tộc anh em như: J’rai, Bahnar, Mường, Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, H’Mông, Hoa và Kinh.
Sự đồng cam cộng khổ của nhiều dân tộc anh em nơi vùng biên cương đầy khắc nghiệt này từng bước phá tan rào cản về phong tục tập quán và văn hoá của mỗi dân tộc để tạo dựng nên một mái nhà chung.
Nói về sự giao thoa văn hoá trên vùng đất này, người dân thường nhắc đến tên một địa danh là Dốc Tình. Theo ông Kpui Tuy, Phó chủ tịch xã cho biết, ngày trước chưa có cầu treo bắc qua suối Lốp, đến mùa nước lên thì người dân không thể nào qua suối được mà phải đợi khi nào nước rút mới đi qua. Cũng chính từ việc đợi nước rút mà tình cảm của nhiều đôi trai gái đã bắt đầu được manh nha.
Càng về sau, với quang cảnh thoáng mát bởi dòng nước trong xanh, nơi đây trở thành điểm hẹn của các đôi trai gái các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn xã Ia Piơr. Cái tên Dốc Tình cũng xuất phát từ đây.
Ở đây những cặp trai gái yêu nhau thường hò hẹn tâm sự vào sáng sớm khi bình minh vừa ló rạng hay mỗi lúc đêm về. Có những đôi tình nhân của hai dân tộc khác nhau đã tâm sự thâu đêm bên Dốc Tình, để rồi tiến đến nên duyên vợ chồng. Và cuộc sống của họ cũng rất hạnh phúc sau khi kết hôn.
Những mối tình vượt rào cản ngôn ngữ, phong tục
Nhiều mối tình được vun đắp từ khung cảnh hữu tình nơi Dốc Tình được buôn làng và họ hàng chấp nhận bất chấp hệ thống luật tục rườm rà tồn tại ở từng cộng đồng. Tại làng Plei Me, Rơmah Nhéh, một cô gái đồng đồng bào J’rai không đi “bắt chồng” như phong tục cũ mà chấp nhận về nhà chồng làm dâu theo tục lệ dân tộc Mường.
Cô gái dân tộc miền núi phía Bắc cùng một chàng trai người J’rai tại "Dốc Tình" bên bờ suối Lốp. |
Không riêng gì Rơmah Nhéh, cô em gái Rơmah Nhin, làng Plei Me cũng lấy một chàng trai người đồng bào dân tộc Tày. Ban đầu, bà con trong làng không chấp nhận Rơmah Nhin yêu một chàng trai dân tộc Tày, bởi theo tục lệ của người J’rai, Rơmah Nhin phải bắt chồng về nhà mình đồng thời người chồng của cô phải chấp nhận các luật tục của buôn làng.
Nhưng rồi, sau những ngày miệt mài trên nương rẫy, Rơmah Nhin và chàng trai dân tộc Tày vẫn hẹn hò nơi suối Lốp khiến bà con dân làng Plei Me chấp nhận cho đôi trai gái cùng tìm hiểu lẫn nhau và được về làm dâu nhà chồng theo phong tục đồng bào Tày.
Cô gái Triệu Thị Lan, cộng đồng dân tộc Dao ở Quảng Ninh đã quen chàng trai Bàng Văn Sinh, đồng bào dân tộc Dao ở bên bờ suối Lốp. Nói về tình yêu của mình, Lan không chút ngại ngùng: “Chúng em yêu nhau bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhất. Buổi tối khi đi chơi cùng chúng bạn ra Dốc Tình, chúng em chưa hề biết được nhau nhưng rồi anh ấy đã làm quen. Thế là, dưới tiếng nước chảy róc rách của dòng suối Lốp, chúng em tỏ tình cùng nhau và quyết chí nên duyên vợ chồng.”.
Lúc đầu gia đình đôi bên đều không ưng thuận cho đôi trẻ đến với nhau với quan niệm những buổi gặp gỡ nơi Dốc Tình của các đôi nam nữ thanh niên chủ yếu xuất phát từ cảm xúc ban đầu. Song, bằng tình cảm chân thật, Bàng Văn Sinh đã nhiều lần tìm đến nhà Lan và không ngừng chứng minh tính chân thật của mối tình nguyên sơ.
Khi được gia đình chấp nhận, đôi trẻ này đến bên nhau khi cô bé Triệu Thị Lan vừa bước qua tuổi đôi mươi.
Để tiếp tục khẳng định sức mạnh tình yêu trên vùng đất khó này, Triệu Thị Lan dồn công đi học nghề kết trầu cau, hoa quả kết duyên, học làm bánh sinh nhật đồng thời được sự giúp đỡ của gia đình, hai vợ chồng trẻ mở một cửa hiệu nhận làm bánh sinh nhật, kết hoa cung cấp cho đôi lứa trong hôn lễ .
Chiếc cầu nối những bờ vui
Giữa năm 2006, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, một chiếc cầu treo dài gần 100m được xây dựng kết nối hai bờ suối Lốp. Chẳng phải ngẫu nhiên, người dân xã Ia Piơr đặt tên chiếc cầu treo này với tên gọi rất thi vị là cầu Tình.
Ông Đinh Trọng Linh, cán bộ giao thông thuỷ lợi xã Ia Piơr, một trong những chủ hộ người Mường gắn bó với vùng đất này cho biết, từ nhiều năm qua, bà con nhân dân các thôn, buôn, làng trong xã luôn đùm bọc lẫn nhau và che chở nhau vào những lúc khó khăn nhất. Người dân xã Ia Piơr đã nỗ lực giúp đỡ lẫn nhau, tự kết nghĩa giữa các buôn làng với nhau. Hiệu quả từ những mô hình kết nghĩa này đã làm sự kỳ thị của người ngoài cũng như tâm lý mặc cảm về bệnh tật của bà con đồng bào J’rai làng Phung dần tan biến.
Với người dân xã Ia Piơr, Dốc Tình, Cầu Tình cùng với hoạt động xây dựng tinh thần đoàn kết của các buôn, làng. Tại làng Phung, những hộ đồng bào J’rai không may mắc bệnh được sống xen kẽ với các hộ gia đình dân tộc Mường, Tày, Thái…
Tất cả đều không phân biệt, kỳ thị bệnh tật mà thay phiên giúp đỡ lẫn nhau vào những lúc khó khăn. Có thể nói Dốc Tình và Cầu Tình là nhịp cầu gắn kết đời sống của hàng trăm hộ dân hai bên bờ Đông – Tây suối Lốp.
Theo Pháp luật Việt Nam