Cẩu xe, khóa bánh, tháo biển kiểm soát: Bộ Công an lên tiếng

Cẩu xe, khóa bánh, tháo biển kiểm soát: Bộ Công an lên tiếng

Vũ Phương

Vũ Phương

Thứ 4, 04/01/2017 09:59

Thiếu tướng Trần Thế Quân cho rằng, đề xuất này không có vấn đề gì về mặt pháp lý. Biện pháp mạnh này chỉ áp dụng khi chủ xe vi phạm nhưng tìm cách chống đối.

UBND TP.HCM vừa ban hành chỉ thị về thực hiện công tác quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn TP.

Cụ thể, UBND TP yêu cầu công an TP tổ chức kiểm tra, rà soát và có biện pháp giải quyết tình trạng ôtô dừng đỗ không đúng nơi quy định, nhất là tại khu vực trung tâm TP.

Đáng chú ý, nghiên cứu đề xuất quy định về bổ sung một số hình thức chế tài xử lý vi phạm dừng đỗ trái phép như cẩu xe, khóa bánh xe, tháo biển kiểm soát bên cạnh việc xử phạt qua hình ảnh hoặc thông qua công tác đăng kiểm phương tiện.

Các giải pháp trên cần trình UBND TP trong quý 1 năm 2017.

Xung quanh đề xuất này, PV báo điện tử Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an).

Xã hội - Cẩu xe, khóa bánh, tháo biển kiểm soát: Bộ Công an lên tiếng

Thiếu tướng Trần Thế Quân.  

Thưa ông, đề xuất khóa bánh xe, cẩu xe, tháo biển kiểm soát xe dừng, đỗ không đúng nơi quy định được UBND TP.HCM vừa đưa ra đã nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều từ dư luận. Vậy quan điểm, ý kiến của ông trước đề xuất này như thế nào?

Trước hết phải xem chủ trương khóa bánh xe, tháo biển kiểm soát, cẩu xe có phù hợp không. Tôi cho rằng, chủ trường này có thể TP.HCM đã nghiên cứu rất kỹ trước khi đưa ra đề xuất.

Tôi cho rằng đề xuất này xuất phát từ thực tế, lâu nay các lái xe ô tô dừng đỗ xe không đúng nơi quy định gây cản trở giao thông. Không ít lái xe lại tìm cách đối phó với cơ quan chức năng bằng việc khóa xe rồi bỏ đi.

Hành vi đó của chủ phương tiện rõ ràng là chống đối và cơ quan chức năng phải cần có biện pháp mạnh để thực thi pháp luật một cách nghiêm minh.

Như ở Hà Nội, nhiều chủ phương tiện còn đỗ chéo để xe cẩu không thể cẩu được, nhưng hiện nay cơ quan chức năng được trang bị những phương tiện mới, hiện đại hơn để có thể cẩu được cả những xe ô tô cố tình chống đối.

Như vậy sẽ cần một lượng lớn xe cẩu trang bị cho lực lượng chức năng, trong trường hợp không đủ thì có thể áp dụng các biện pháp khác không, thưa ông?

Trong trường hợp chưa có cẩu chuyên dụng, các cơ quan chức năng có thể khóa bánh xe, tháo biển kiểm soát để chờ chủ phương tiện đến làm việc chứ không thể bố trí người đứng canh được.

Đề xuất này sẽ góp phần giảm ách tắc giao thông, đặc biệt tại các tuyến phố cấm ô tô dừng, đỗ. Bởi vậy, về nguyên tắc tôi ủng hộ đề xuất này.  

Xã hội - Cẩu xe, khóa bánh, tháo biển kiểm soát: Bộ Công an lên tiếng (Hình 2).

Lực lượng chức năng xử phạt tại chỗ phương tiện dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định. 

Nhiều người lo ngại việc lực lượng chức năng tháo biển kiểm soát xe là sai vì đó được xem là hành vi tháo linh kiện phương tiện của người dân?

Với đề xuất này tôi cho rằng không có vấn đề gì về mặt pháp lý.

Tôi nghĩ rằng, đây là giải pháp tình thế. Chỉ áp dụng trong trường hợp chủ xe dừng đỗ sai quy định mà bỏ đi, chống đối thì lực lượng chức năng mới áp dụng. Còn bình thường thì lực lượng chức năng chỉ nhắc nhở, phạt theo đúng luật.

Hơn nữa, việc cơ quan chức năng có tháo biển kiểm soát cũng không nên hiểu theo hướng tháo rời linh kiện xe, mà nên hiểu đó giống như hình thức giữ giấy tờ xe. Bởi, không phải trường hợp nào dừng, đỗ không đúng nơi quy định là bị tháo biển kiểm soát ngay.

Trong khi đó, biển kiểm soát do cơ quan Nhà nước cấp nên việc tháo biển kiểm soát để chủ phương tiện đến làm việc và nộp phạt thì không có vấn đề gì.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc lực lượng chức năng khóa bánh xe, tháo biển kiểm soát, cẩu xe có thể gây lên sự xung đột giữa người vi phạm và lực lượng chức năng?

Chúng ta cũng không nên hiểu việc cẩu xe khóa bánh, tháo biển kiểm soát là xử phạt vì có phương tiện dừng, đỗ sai nơi quy định gây ùn tắc giao thông thì cơ quan chức năng cẩu đi nơi khác để đảm bảo giao thông được lưu thông.

Thực tế, nếu chủ phương tiện vi phạm việc dừng, đỗ xe thì cơ quan chức năng tiến hành xử phạt ngay tại chỗ, trong trường hợp người vi phạm cố tình bỏ đi thì mới tiến hành các biện pháp mạnh. Bởi vậy, lo ngại người vi phạm và cơ quan chức năng xảy ra mâu thuẫn là rất hiếm.

Xin cảm ơn ông!

Vũ Phương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.