UBND TP.HCM vừa ban hành chỉ thị về thực hiện công tác quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn TP. Theo đó, UBND TP yêu cầu Công an TP tổ chức kiểm tra, rà soát và có biện pháp giải quyết tình trạng ôtô dừng đỗ không đúng nơi quy định, nhất là tại khu vực trung tâm TP.
Đáng chú ý, giao Công an TP nghiên cứu, đề xuất quy định về bổ sung một số hình thức chế tài xử lý vi phạm dừng đỗ trái phép như cẩu xe, khóa bánh xe, tháo biển kiểm soát bên cạnh việc xử phạt qua hình ảnh hoặc thông qua công tác đăng kiểm phương tiện.
Xung quanh đề xuất này, PV báo điện tử Người Đưa Tin có cuộc trao đổi với Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an).
Thưa ông, đề xuất xử lý ôtô vi phạm dừng đỗ trái phép như cẩu xe, khóa bánh xe, tháo biển kiểm soát có phù hợp với quy định hiện hành?
Trước tiên, tôi ủng hộ đề xuất với các biện pháp, chế tài mạnh đối với những trường hợp ôtô dừng, đỗ không đúng nơi quy định.
Đề xuất trên hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành. Trong xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ, chế tài của từng hành vi đã được quy định tại nghị định 46 của Chính phủ.
Trong đó, quy định rất rõ từ phạt tiền, yêu cầu buộc chủ phương tiện phải dừng hành vi vi phạm, tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện…
Bởi vậy, việc áp dụng các biện pháp cần thiết đối với phương tiện dừng đỗ xe trái phép sẽ giảm được ùn tắc giao thông.
Việc ôtô dừng, đỗ trái phép đã quy định trong xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra hàng ngày gây tắc đường, bức xúc dư luận, thưa ông?
Từ trước đến nay, các cơ quan chức năng rất khó xử lý việc ôtô dừng đỗ trái phép, có thể liên quan đến lợi ích nhóm nên chưa vào cuộc kiên quyết. Bởi vậy, nếu muốn lập lại kỷ cương, kiên quyết trả lại sự thông thoáng cho đường phố thì phải áp dụng những biện pháp mạnh.
Việc dừng đỗ trái phép có thể có lợi cho một nhóm người, tiện lợi cho một ít người, nhưng gây cản trở đối với rất nhiều người thì cơ quan chức năng phải kiên quyết đấu tranh.
Như tôi đã nói, xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ chúng ta đã quy định về việc dừng, đỗ xe trái quy định sẽ bị xử lý ra sao. Nhưng tình trạng này vẫn còn diễn ra phổ biến, phần vì lực lượng còn mỏng, phần vì thiếu các chế tài xử lý đủ mạnh.
Theo ông đề xuất trên được thông qua thì việc thực hiện đề xuất có khó khăn gì?
Thực tế, khi ôtô dừng đỗ sai quy định, lực lượng chức năng rất khó xử lý bởi chủ xe đã khóa cửa rồi bỏ đi.
Để xử lý kiên quyết, cơ quan chức năng cần phải có kế hoạch chuyên đề để chuẩn bị về mặt lực lượng, xe cẩu, bãi để phương tiện tạm giữ.
Trước tình trạng ùn tắc giao thông mỗi ngày gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế, môi trường, cảnh quan đô thị... biện pháp mạnh này sẽ góp phần đáng kể nhằm giảm ùn tắc giao thông tại TP.HCM.
Đề xuất trên được thông qua áp dụng vào thực tế, liệu có nảy sinh tiêu cực, thưa ông?
Đúng vậy. Điều quan trọng người thực hiện phải công khai minh bạch, thậm chí cho phép người dân giám sát việc thực hiện xem có đúng quy trình hay không, có như vậy mới tránh được tiêu cực.
Ví như trong trường hợp lực lượng chức năng chuẩn bị cẩu xe do dừng đỗ vi phạm thì có người đứng ra xin xỏ sau đó lại được bỏ qua. Bởi vậy, trong quá trình thực hiện cũng cần phải tránh tiêu cực, minh bạch, đúng quy định thì đề xuất trên mới có tác dụng giảm ùn tắc giao thông.
Vậy, ngoài TP.HCM áp dụng biện pháp trên thì các thành phố lớn khác có cần thiết áp dụng?
Đề xuất này không chỉ áp dụng tại TP.HCM mà các thành phố, đô thị lớn như TP.Hà Nội, Đà Nẵng… cũng nên áp dụng.
Thực tế, không chỉ TP.HCM mà Hà Nội và nhiều thành phố, đô thị khác cũng đang đối mặt với giao thông ùn tắc.
Cứ tuyên truyền mãi mà không nghe thì phải sử dụng các biện pháp, chế tài cứng rắn hơn. Làm như vậy, các chủ phương tiện mới hiểu và phải tính toán làm sao lợi ích cá nhân không trái với lợi ích cộng đồng.
Xin cảm ơn ông!
Vũ Phương