Sâu trong rừng rậm của hòn đảo Borneo rộng lớn, có một loài hoa ăn thịt lớn nhất hành tinh nhưng thiên nhiên nghiệt ngã lại biến chúng trở thành những chiếc “bồn cầu công cộng” cho loài chuột chù cây.
Tưởng đùa nhưng thật, loài hoa hung dữ nhất hành tinh bỗng dưng trở thành “nô lệ” cho loài gặm nhấm bé nhỏ là kết quả của việc đấu tranh sinh tồn trong vòng hàng trăm năm.
Nepenthes rajah (N. rajah) là một loài hoa vô cùng độc đáo, chúng có kích thước lớn nhất trong toàn bộ họ cây ăn thịt. Bộ phận hình phễu có thể chứa đến 2 lít nước bên trong, phần thân chắc chắn đảm bảo bông hoa không bị gãy đổ do sức nặng. Cùng với đó các bộ phận bên trong phễu liên tục sản sinh ra một loại men đặc biệt, biến nước mưa bên trong phễu hoa trở thành một loại rượu mật hoa thơm ngon, mê đắm bất kỳ kẻ nào đi ngang.
Được thiên nhiên ban tặng cho khả năng thu hút con mồi độc đáo, loài hoa lại sinh sống ở nơi có quá ít côn trùng. Trong khi một số loài họ hàng tiến hóa để có thể ăn thịt những con mồi to lớn như sóc, chuột, loài hoa này lại thay đổi bản thân để đi tìm nguồn dinh dưỡng khác: chất thải của chuột.
Trong phân của chuột chù chứa rất nhiều chất nitơ và phốt pho, là 2 loại khoáng chất cần thiết để hoa ăn thịt có thể phát triển. Đặc biệt việc hấp thụ chất thải sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn tiêu hóa toàn bộ cơ thể con mồi lớn như chuột.
Vì lý do này nên loài hoa tiến hóa để thích nghi với việc thu thập chất thải của loài chuột. Phần nắp phễu thay vì dùng để khóa chặt con mồi lại tiết ra loại rượu mật hoa trứ danh, thu hút các con chuột đến thưởng thức. Phần miệng phễu to rộng, trơn trượt sẽ trở nên dễ bám hơn và co lại vừa đủ để con chuột không rơi vào bên trong phễu hoa. Loài hoa dần biến thành “trạm thức ăn” cho loài gặm nhấm. Sau khi ăn uống no say, những con chuột sẽ “giải quyết nỗi buồn” ngay trên bông hoa. Phần miệng phễu có một độ dốc vừa đủ để chất thải không rơi ra ngoài dù điều kiện thời tiết mưa to hay gió lớn.
Thậm chí, loài cây này còn có “hành vi” tự bảo vệ bản thân để những con chuột không đến phá hoại khi hoa non mới nở, chưa đủ chắc chắn để có thể đỡ cả thân thể nặng nề của loài gặm nhấm trưởng thành. Hoa ăn thịt mất vài ngày để có thể phát triển đầy đủ, trong quãng thời gian này chúng vẫn tạo ra các rượu mật hoa để nuôi cơ thể tuy nhiên khi chưa đạt được kích cỡ thích hợp thì cũng sẽ đóng phần nắp phễu để tránh thu hút các loại động vật đến gần.
Tương tự với N. rajah, một số loài hoa cùng họ khác cũng tiến hóa theo hướng này, bao gồm: N. lowii và N. macrophylla. Trong khi N. rajah và N. macrophylla vẫn còn khả năng bắt nhốt và ăn thịt các loài côn trùng nhỏ vô tình đi ngang, N. lowii hoàn toàn mất đi chức năng vốn có của nó chỉ có thể trông chờ nguồn dinh dưỡng từ chất thải các loài gặm nhấm.
Ngoài ra, một loài hoa ăn thịt khác cũng tiến hóa theo hướng cộng sinh với các loại động vật. Loài N. hemsleyana trở thành chỗ trú ẩn cho loài dơi mũi nhẵn vào ban ngày, đổi lại loài dơi sẽ cung cấp chất thải để loài hoa sinh tồn.
Bá Di (Theo Sience Alert)