Như báo Người Đưa Tin đã đăng tải, tình trạng người dân các xã thuộc huyện miền núi Thường Xuân đổ xô vào rừng tìm cây ba chạc chặt đem về bán cho thương lái lại bùng phát sau một thời gian lắng xuống.
Tại các xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Vạn Xuân, Xuân Cẩm, Xuân Thắng… nhóm phóng viên liên tiếp bắt gặp từng đoàn người kéo nhau đi vào rừng khai thác cây ba chạc. Ngoài ra, ven hai bên đường, nhiều điểm tập kết cây ba chạc đang chờ xe vào bốc đi.
Theo một số thương lái địa phương, những người dân ở xã Vạn Xuân, Xuân Chinh đi vào rừng khai thác cây ba chạc rồi đem bán cho nhà một hộ dân ở thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân.
“Người ta chỉ băm nhỏ, sấy khô chứ không sử dụng một loại hóa chất nào để bảo quản. Từng bao cây ba chạc được đóng lại rồi dùng xe chở ra chợ Na Hình, tỉnh Lạng Sơn để bán lại cho các thương lái người Trung Quốc. Tại đây, cây ba chạc khô sẽ được bán từ 6.000–6.500 đồng/kg”, một thương lái cho biết.
Tuy nhiên khi trao đổi với PV báo điện tử Infonet về vấn đề này, ông Cầm Bá Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân đã phủ nhận sự việc và cho biết mấy năm trước có tình trạng thương lái mua cây ba chạc nhưng năm nay chưa thấy xe nào.
“Trước đây, bên Thanh Sơn (huyện Như Xuân) có việc chặt cây ba chạc, đó là cây làm thuốc và là lâm sản phụ. Tuy nhiên, hiện không còn cây to mà chỉ có loại to bằng cái ấm tích, hoặc ấm pha trà. Người dân chỉ đi mót cây này về thôi chứ không có chuyện tập trung thu hái. Vì hiện cây này còn ít nên nếu đi chặt chỉ làm vài ba ngày là hết sạch", ông Quân cho hay.
Được biết, người dân gọi cây ba chạc bằng cái tên khác như: Chè đắng, chè cỏ, cây dầu dây. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, ba chạc có tác dụng làm giảm cholesterol, giảm mỡ máu và chứng cao huyết áp, chữa tê thấp, xương đau nhức, dùng cho phụ nữ sau sinh, chữa mẩn ngứa, ghẻ,… Cây mọc rất phổ biến ở bìa rừng, đồi cây bụi và trong rừng thưa, mọc ở cả vùng đất núi, đồng bằng.
Trên báo Sức khỏe & Đời sống, bác sĩ Trần Thị Hải đã giới thiệu một số bài thuốc từ cây ba chạc như sau:
Bài 1: Dùng cho phụ nữ sau sinh (giúp ăn ngon, dễ tiêu) và lợi sữa: Rễ ba chạc 10g, sắc uống thay trà hàng ngày. Hoặc lá ba chạc 16g cho vào ấm đổ 6 bát con nước, sắc nhỏ lửa 30 phút, còn 3 bát nước thuốc, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 1 tuần.
Bài 2: Chữa mẩn ngứa, ghẻ: Hái một nắm lá to cả cành non cây ba chạc, khoảng 50-100g, để tươi, rửa sạch, đun sôi với 4-5 lít nước trong 30 phút đến 1 giờ đồng hồ. Đợi khi nước ấm, dùng để tắm, lấy bã xát mạnh vào các nốt ngứa ghẻ. Ngày tắm nước này một lần. Tắm đến khi khỏi.
Bài 3: Chữa tê thấp, xương đau nhức: Lá ba chạc tươi, lá tầm gửi cây sau sau, mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nát băng đắp vào chỗ đau nhức. Ngày làm 1 lần, trong 7-10 ngày. Để tăng hiệu quả, có thể kết hợp thuốc uống trong: Thiên niên kiện 12g, rễ bưởi bung 10g, quả dành dành 8g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô ngâm với 1 lít rượu 30-40 độ, để càng lâu càng tốt. Ngày uống 2 lần, mỗi lần một chén nhỏ, 10 ngày một liệu trình.
Bài 4: Dự phòng nhiễm cảm cúm: Ba chạc 15g, rau má 30g, đơn buốt 15g, cúc chỉ thiên 15g. Đổ 6 bát con nước, sắc nhỏ lửa 30 phút, còn 3 bát nước thuốc, chia 2 lần uống trong ngày, dùng 1 tuần.
Bài 5: Điều hòa kinh nguyệt: Rễ ba chạc 12g, cho vào ấm đổ 6 bát con nước, sắc còn 3 bát nước thuốc, chia 3 lần uống trong ngày. Uống trước chu kỳ kinh 15 ngày.
Ngân Hà (tổng hợp)