Ở làng Viêm Xá (xã Hòa Long, TP.Bắc Ninh) có một cây cầu đá ngàn năm tuổi. Dân làng vẫn quen gọi đó là “cầu đá ma” vì nó chuyên dùng là nơi để chôn xác người. Những người chết đường chết chợ, trong làng có ai đưa đi cấp cứu mà chết dọc đường cũng được đưa về chôn dưới chân cầu đá này. Điều đặc biệt là, dù đã qua cả nghìn năm nhưng tập tục đó đến nay vẫn còn lưu giữ.
Cầu đá nằm ở trong khu di tích đền Cùng
Cả làng góp tiền làm tang cho người dưng
Để vào đến đền Cùng và giếng Ngọc, du khách phải đi qua một cây cầu kỳ lạ. Gọi là cầu nhưng nhìn hình dáng lại giống một ngôi nhà. Cầu được dựng bằng tám cột đá cao khoảng 2 mét, trên mỗi cột đá đều được khắc chữ Nho. Tuy nhiên, trải qua thời gian những bản chữ Nho đã bị sương gió bào mòn gần hết. Bên cạnh cầu đá, có ba phiến đá hình chữ nhật. Theo nhiều người cao tuổi ở làng Viêm Xá, ba phiến đá này để người dân qua lại ngồi uống nước, nghỉ ngơi. Nhưng nếu không phải dân làng thì chắc có lẽ chẳng ai biết được dưới chân cây cầu đá ấy đã chôn không biết bao nhiêu xác người.
Theo ông Nguyễn Văn Màng, hội Người cao tuổi làng Viêm Xá, không biết từ bao nhiêu đời nay, mỗi khi làng Viêm Xá có người chết đường, chết chợ vì tai nạn giao thông, người chết lưu vong… trước khi về nhà thì sẽ phải đem xác ra “cầu đá”. Phong tục kỳ lạ này ai cũng phải tuân thủ. Ông Màng lý giải, dân làng chúng tôi quan niệm, nếu đem những người chết đường, chết chợ về nhà thì sẽ đem lại sự không may mắn. Sự run rủi đó có thể dẫn đến những cái chết chóc cho cả làng. Nó cũng giống như sao chổi quét đi phương nào thì phương đó sẽ chỉ toàn chết chóc và tang thương. Vì vậy, trong điều lệ làng, chúng tôi cấm không cho con cháu mang người chết về làng.
Khi xác người người chết đường chết chợ được đưa ra cầu đá, người nhà sẽ phải tổ chức tang lễ tại đây. Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà tổ chức thời gian an táng dài, ngắn khác nhau. Ngày trước có nhà tổ chức tang lễ ở cầu đá kéo dài đến ba ngày, có nhà thì chỉ tổ chức một ngày. Đối với những người chết lưu vong, cả làng sẽ đóng góp tiền của để làm tang cho họ. Tuy nhiên, những đám tang của những người này sẽ được tiến hành nhanh chóng hơn những đám của người dân trong làng.
Ông Màng cũng cho hay, về hình thức thì “cầu đá ma” có phần giống với phương thức “mộ táng tập thể”. Tuy nhiên, cách làm lại khác. Mỗi một người chết đều được làm tang lễ, giúp họ siêu thoát. Nhìn ở góc độ nhân văn, đây là một việc làm tốt đẹp, mang tính nhân đạo.
Bà Nguyễn Thị Xuân, một người dân trong làng Viêm Xá cho hay, phong tục của cả làng thì nhà nào cũng phải tuân thủ. Xác người chết đưa ra cầu đá sẽ đảm bảo vệ sinh chung cho cả làng. Ngày xưa, những bệnh truyền nhiễm này nguy hiểm lắm. Có những thời điểm cả làng bị bệnh dịch quét qua, người chết nhiều lắm. Thời đó, người ta còn không biết là bệnh gì, cứ thấy người chết là lo lắng, sợ bệnh dịch. Vì thế, để bệnh dịch không lây lan, không ảnh hưởng đến sự an nguy của dân làng, các cụ mới nghĩ đến việc chôn ở một nơi cách biệt. Họ đã đưa ra cầu đá tổ chức tang lễ nên việc khoanh vùng để khử trùng, diệt dịch sẽ dễ dàng hơn.
Tục lệ ấy đã có từ ngàn năm, người dân không ai dám làm trái. Tuy nhiên, vẫn có một số gia đình khi có người gặp tai nạn, hay ốm đau bệnh tật vẫn dùng bình ôxi để cầm cự về đến nhà. Khi đó xác người thân họ sẽ không phải đưa ra cầu đá.
Mặc dù đã trải qua cả ngàn năm nhưng cho đến nay phong tục kỳ dị đó vẫn được duy trì. Tuy nhiên, từ khi xây dựng khu giếng Ngọc, đền Cùng, người ta đã xây gộp cả cầu đá vào và trở thành địa chỉ tham quan của đông đảo khách du lịch.
Để tránh tình trạng khách du lịch không biết dẫm đạp lên nơi chôn cất những người xấu số, năm 1996, cả làng Viêm Xá đã góp tiền xây dựng một ngôi nhà riêng cách cầu đá khoảng 20 mét dùng làm nhà để xác thay cho cầu đá. Mọi phong tục và nghi thức cử hành tang lễ vẫn được giữ nguyên như cũ.
Để xác minh về những thông tin về cây cầu bí ẩn này, chúng tôi đã tìm đến gặp ông Đỗ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Long. Ông Hoan xác nhận việc cầu đá ở làng Viêm Xá dùng để táng xác người chết đường chết chợ là có thật. Trước đây, cả xã có bốn cầu đá nhưng hiện nay chỉ còn một cái duy nhất tại làng Viêm Xá. Tuy nhiên, có một điều lạ lùng là trong bốn chiếc cầu thì chỉ cầu đá ở làng Viêm Xá là tồn tại và dùng để đặt xác người chết.
Đi tìm lời giải cho cầu đá ngàn năm tuổi
Để giải mã về cây cầu bí hiểm này, chúng tôi đã nhờ các cụ cao niên để tìm lại sử sách, tài liệu có liên quan. Được biết, sử sách làng Viêm Xá có nói đến cơ sở lịch sử để khẳng định cầu đá đã có từ thời Lý. Như vậy, cây cầu phải có niên đại gần một nghìn năm. Trên tám cột đá còn lưu lại những bản khắc chữ Nôm, trên đó ghi lại thời gian và hoàn cảnh dựng cầu đá.
Trong sách “Văn hiến Kinh Bắc” cũng có ghi: Đền Cùng vốn là một ngôi đền có từ thời nhà Lý thờ “Nhị Nhân Thần Nữ” là hai nàng công chúa Tiên Dong (hoặc Tiên Dung) và Thủy Tiên, con của vua Lý Thánh Tông. Còn giếng Ngọc chính là hiện thân của hai nàng công chúa này.
Trong khi đó, ở đền Cùng hiện vẫn còn giữ được nhiều sắc phong của các đời vua từ cả ngàn năm trước. Những tờ sắc phong này cũng đã nói rõ về việc xây dựng đền Cùng. Trên những tấm bia đá cổ còn giữ tại đền cũng có đoạn trích: Từ thời tiền Lý, quan quân triều đình đánh giặc dọc sông có đến nơi này cầu đảo và đều được linh nghiệm đánh bại quân xâm lược. Đến thời vua Lý Thánh Tông sinh con “mình hổ” cũng đến đây cầu đảo. Hoàng tử đã tai qua nạn khỏi, vạn sự như ý. Đến thời vua Bảo Thái đã cho dựng những cột đá. Ngày nay, dấu ấn ấy vẫn còn để lại. Theo ông Màng thì những cột đá mà vua Bảo Thái dựng lên chính là cây cầu đá ngày nay. Do vậy, cây “cầu đá ma” được xây dựng cùng thời gian với đền Cùng và giếng Ngọc.
Hiện nay, do sự xuống cấp của cầu đá ma nên người dân đã tu sửa lại bằng cách lát gạch và đổ bê tông xung quanh để chống cầu đổ xuống. Nhưng vẫn giữ lại kiến trúc như ban đầu. Đặc biệt, tám cột đá vẫn được giữ nguyên tại vị trí cũ của ngàn năm trước. Cây “cầu đá ma” ẩn chứa biết bao nét đẹp truyền thống. Những tục lệ ngàn đời của làng, những nét đẹp của nền văn hóa Kinh Bắc cổ xưa vẫn còn được lưu giữ.
Thế Tào