Cây cối trên trái đất đang dần biến mất

Cây cối trên trái đất đang dần biến mất

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Hàng trăm nghìn loài thực vật sắp biến mất khỏi hành tinh xanh, trong đó bao gồm cả cà phê loài cây có giá trị cao đối với con người.

Cây cối sắp tuyệt chủng

Các nhà soạn thảo bản báo cáo đều hết sức lo ngại trước con số họ thống kê được về số lượng các loài cây trên hành tinh chúng ta. Theo đó, có đến khoảng 380.000 loài cây (chiếm 22% tổng số cây trên trái đất) đang có nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Ông Hopper, giám đốc Vườn thực vật Hoàng gia Key tại London (Anh) đồng thời là thành viên soạn thảo báo cáo cho hay: "Chưa bao giờ loài người nghĩ đến việc cây cối sẽ tuyệt chủng nhưng sau khi con số chính xác được công bố, chúng tôi cũng hết sức ngỡ ngàng. Bản báo cáo này đã liệt kê các loài cây cần được bảo vệ khẩn cấp nhất và những khu vực có nguy cơ tuyệt chủng cây cối cao nhất".

Hàng trăm nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới đã tham gia vào soạn thảo bản báo cáo nhằm cho ra kết quả tổng quan và chính xác. Họ áp dụng các phương pháp tiên tiến từ chụp ảnh bằng vệ tinh cho đến mô hình hóa trên máy tính phục vụ cho việc điều tra và theo dõi hàng vạn loài thực vật trên Trái đất.

Xã hội - Cây cối trên trái đất đang dần biến mất

Cà phê Arabica hoang dã có nguy cơ sẽ bị tuyệt chủng

Một số loài thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng còn lớn hơn loài chim, chúng dễ bị tổn thương hơn cả các loài động vật khác cũng đứng trên bờ vực của sự biến mất. Ông Neil Brummitt đến từ Viện bảo tàng Lịch sử tự nhiên London bổ sung: "Nhờ sự đa dạng của thực vật mà toàn bộ sự sống trên trái đất được ổn định và phong phú nhưng chỉ cần một số loài thực vật biến mất, cân bằng sinh thái cũng sẽ bị phá vỡ, dẫn đến hậu quả khôn lường. Vậy mà thực tế, không phải chỉ một số loài thực vật mà hàng ngàn loài đang bị đe dọa lại là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả sự tồn tại của loài người chúng ta".

Đã có thời, con người lo lắng các cây bao báp (loài cây khổng lồ, có sức sống mãnh liệt trên các vùng đất cằn cỗi) sẽ chiếm toàn bộ không gian sống của con người bởi chính "thân hình đồ sộ" của chúng. Tuy nhiên, điều này không bao giờ xảy ra, loại cây to lớn này đang phải đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, điều mà trước đây chưa từng ai nghĩ tới.

Tạp chí Science (khoa học), một trong những tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới vừa công bố những nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Australia. Theo đó, các loài cây khổng lồ và lâu đời nhất trên hành tinh xanh, nhất là cây cổ thụ bao báp đang dần biến mất.

David Lindenmayer, một chuyên gia của trường đại học Quốc gia Australia cho biết: "Đây là vấn đề chung của toàn cầu, nó xảy ra ở hầu hết các khu vực có cây bao báp sinh sống. Điều này rất đáng lo ngại, cần có biện pháp bảo vệ sớm".

Các nhà khoa học đã thực hiện so sánh số liệu lâm nghiệp với những năm 1860, họ hết sức bất ngờ khi phát hiện thấy số lượng cây bao báp từ 100 - 300 tuổi tại châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi, châu Á, Nam Mỹ, Mỹ La tinh và Australia đang giảm đến mức báo động.

Nguyên nhân chủ yếu do cháy rừng, hạn hán, nhiệt độ cao, khai thác gỗ tràn lan và sự biến mất ngày càng nhiều của diện tích đất nông nghiệp. Cây cổ thụ lớn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái. Chúng cung cấp 30% nơi trú ẩn cho các loài chim và động vật đồng thời thu giữ lượng khí cacbon khổng lồ, tái chế chất dinh dưỡng trong đất và tác động đến dòng chảy của nước.

Các nhà khoa học nhấn mạnh, bên cạnh việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để giảm thiểu nguy cơ hạn hán và cháy rừng, chính sách bảo tồn vẫn nên tiếp tục tập trung vào việc ngăn chặn nạn phá rừng để làm nông nghiệp và khai thác mỏ.

Hiện nay, khu rừng Amazon (Brazil), nơi có số lượng cây cối "khủng" nhất đang được chuyển đổi cho mục đích nông nghiệp và khai thác mỏ và những gì còn lại thì đang bị xuống cấp do con người chặt cây lấy gỗ trong rừng.

Rõ ràng, tác động trực tiếp đến sự biến mất của thực vật vẫn là con người. Hiệu ứng nhà kính là mối nguy lớn gây ra hạn hán và cháy rừng, bởi vậy, công tác bảo tồn cần được đẩy mạnh hơn nữa, đảm bảo tương lai của hầu hết các loài cây ở Amazon nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Ngoài phương pháp bảo tồn, hiện các nhà nghiên cứu đang chiết xuất và phân tích ADN của các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, từ đó hy vọng nhân các giống cây này, tạo được một quần thể cây mới ngay trong phòng thí nghiệm và sẽ đưa số cây này trở lại thiên nhiên, lấy lại cân bằng sinh thái đang đứng trên bờ vực bị đảo lộn và có khả năng bị mất.

Xã hội - Cây cối trên trái đất đang dần biến mất (Hình 2).

Cây bao báp khổng lồ

Cà phê - thức uống được yêu thích nhất biến mất?

Lâu nay, cà phê vẫn được coi là thức uống giải khát hấp dẫn, được yêu thích trên thế giới. Đây là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, mang lại nguồn thu khổng lồ cho các nhà kinh doanh. Tuy nhiên, những người lâu nay coi cà phê là "vàng" trong lĩnh vực kinh doanh sẽ rất sốc nếu biết cây cà phê Arabica sắp bị tuyệt chủng.

Cây cà phê Arabica hoang dã chỉ có ở miền nam Ethiopia, một vài khu vực ở Nam Sudan và một vùng ở Bắc Kenya. Loại cây này là nguồn gốc của loại Arabica được trồng và mua bán trong tất cả các cửa hàng cà phê hàng đầu trên toàn thế giới. Các nhà nghiên cứu vườn Bách thảo Hoàng gia Anh Kew Gardens nhận định, cà phê là mặt hàng được giao dịch nhiều thứ hai sau dầu mỏ và là nguồn kinh tế của yếu của một số quốc gia, duy trì sự bền vững của ngành công nghiệp cà phê tại các nước đó.

Cà phê Arabica được trồng ở các đồn điền cà phê trên thế giới đều bắt nguồn từ các giống có đặc tính di truyền rất hạn chế và không được bảo vệ để chống lại sự biến đổi khí hậu cùng các mối đe dọa khác như sâu bệnh. Tại Ethiopia, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất châu Phi, biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất cà phê.

Ông Aaron Davis, người đứng đầu nghiên cứu cà phê tại Kew Gardens cho biết: "Việc cây cà phê Arabica hoang dã tuyệt chủng là điều chưa một ai nghĩ tới. Nó là một tin gây sốc và thực sự đáng lo ngại". Nhóm nghiên cứu ở Kew Gardens cùng các cộng sự tại Ethiopia còn dự báo khả năng nhiệt độ tăng cao và những thay đổi về mùa màng khiến 99,7% khu vực trồng cà phê Arabica hiện nay không còn thích hợp cho loại cây này nữa vào năm 2080.

Các nhà khoa học đã dùng máy tính dựng nên mô hình biến đổi khí hậu trong ba kịch bản có khả năng diễn ra, để dự báo về triển vọng tồn tại của cà phê Arabica. Những thay đổi về thời tiết đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng cà phê của Ethiopia - nước trồng cà phê nhiều nhất ở châu Phi.

Các nhà khoa học nói rằng, nghiên cứu của họ còn chưa tính đến những yếu tố không thuận lợi khác cho cây cà phê như nạn phá rừng tràn lan ở cao nguyên cũng như số lượng chim muông (là loài giúp lan truyền hạt giống cà phê) sụt giảm.

Các mô hình cho thấy, biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất tiêu cực đối với các quần thể hoang dã Arabica. Tính đến năm 2080, dữ liệu sinh học của loài này giảm đến 99,7%. Như vậy, quần thể cà phê Arabica đến năm 2080 có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

An Mai


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.