Câu chuyện dưới đây là ví dụ điển hình về việc răn dạy con rất nghiêm khắc của ông. Trong số các con trai của vua Minh Mạng có hoàng tử Miên Phú. Cậy thế vua cha, Phú thường chơi bời lêu lổng. Vào một đêm tháng Một năm Ất Mùi (tháng 12 năm 1835), trời rét, Miên Phú cùng bọn phủ thuộc là Hoàng Văn Vân, Bùi Văn Nghị, Bùi Văn Quế tổ chức đua ngựa ở ngoài hoàng thành. Đua được mấy vòng, Miên Phú về trước, mấy tên phủ thuộc tiếp tục cho ngựa chạy thi. Vó ngựa rầm rập gây náo loạn nhiều đường phố. Một bà già đi bên đường tránh không kịp, bị ngựa của Hoàng Văn Vân xéo chết!
Vua Minh Mạng được tin, sai các quan đại thần là Trương Văn Quế, Tôn Thất Bằng, Phan Bá Đạt đi điều tra. Ngày hôm sau, vua nhận được lời tâu của các quan, liền dụ rằng: “Trẫm rất buồn giận, thường ngày Trẫm vẫn rất nghiêm khắc với các hoàng tử, hễ sai phạm là trừng phạt ngay, chưa từng dung tha một chút nào.
Miên Phú từ nhỏ bẩm tính ngu đần, lời nói việc làm đều bỉ ổi, lớn lên chỉ rong chơi. Trẫm đã nhiều lần nghiêm khắc dạy bảo, nhưng không biết chừa và sửa lỗi. Nay (Phú) lại gần gũi với lũ tiểu nhân tổ chức phi ngựa ngoài đường lớn kinh thành là nơi quan quân đi lại đông đúc để đến nỗi xéo chết mạng người. Sao còn xứng đáng là công tử nữa. Lại không vâng lời cha dạy bảo, thực là đứa con xấu xa, tội nào còn lớn hơn nữa. Nay để giữ công bằng, quyết không có lý nghị thân, nghị quý. Phàm các em và con cháu chớ nên coi khinh, lấy thân để thử pháp luật, gương sáng chẳng xa, ai nấy phải kính nể”.
Rồi vua ra lệnh tước mũ áo của Miên Phú, cách lương bổng hàng năm, giam lỏng ở nhà riêng để tự mình sửa lỗi, không cho ra ngoài một bước, không được dự vào hàng các hoàng tử, chỉ được gọi tên là Phú. Phú còn phải bồi thường cho người bị hại 200 lạng bạc...
Luật nay: Phải xử Minh Phú vào tội vô ý làm chết người
Là con vua, nhưng Phú không những không biết giữ cho cha, theo gương cha để trở thành người tốt, để xứng đáng là “con ông cháu cha; con vua cháu chúa”, đặng kế tục được sự nghiệp của cha; mà còn ỷ thế cha mình để chơi bời lêu lổng, kết giao với cả bọn du thủ du thực, làm càn, vi phạm pháp luật, gây chết người, dẫn đến bị tước cả danh hiệu, bổng lộc, bị phạt giam... Cho hay, một con người dù đã có nền, có móng, có bệ đỡ chắc chắn, nhưng không biết tu thân, tích đức, thì nền móng, bệ đỡ đó cũng sớm bị “tan tành”.
Tuy nhiên, việc hoàng tử Minh Phú gây ra chuyện lớn phải bị xử lý theo luật hình sự ngày nay mới đúng. Căn cứ vào những gì diễn ra trong vụ án thì Minh Phú đã phạm vào tội vô ý làm chết người theo điều 98 BLHS. Tội vô ý làm chết người là hành vi của một người làm cho người khác bị chết với lỗi vô ý, có nghĩa là người thực hiện hành vi gây hậu quả chết người do không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước được, hoặc tuy biết hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được. Tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 98 Bộ luật Hình sự như sau: “1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”.
Phạm tội vô ý làm chết người thể hiện ở hành động do cẩu thả hoặc quá tự tin mà gây ra cái chết cho nạn nhân. Hành vi khách quan tương tự hành vi thực hiện tội phạm giết người, chỉ khác nhau ở mặt chủ quan. Hậu quả chết người là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả chết người cần phải được làm rõ trong mặt khách quan của tội phạm. Hình phạt tội vô ý làm chết người quy định điều 98 của Bộ luật Hình sự như sau: Khung 1: Quy định trường hợp làm chết một người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm; Khung 2: Quy định nếu làm chết từ hai người trở lên thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
Tường Linh