Từ chuyện ba người chết cùng ngày, cùng tháng
Vắt vẻo lưng đèo Phú Sơn, chùa Bửu Sơn (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) yên bình trong nắng gió cao nguyên. Chùa không chỉ nổi tiếng với cảnh trí hữu tình, không gian thoáng đãng, trong mát mà còn trở thành nơi gửi gắm đời sống tâm linh của người dân xã Phú Sơn. Đến thăm ngôi chùa có tuổi đời hơn một thế kỷ, chúng tôi được người trụ trì hiện tại thuật lại những câu chuyện, giai thoại huyền bí. Một trong số đó có chuyện về cái chết cùng ngày, cùng tháng đầy bí ẩn của ba người trong gia đình ông xã Lợi, người có công xây cất chùa từ thuở sơ khai.
Trụ trì Thích Minh Châu kể: “Hồi mới về làm trụ trì chùa Bửu Sơn, tôi ngạc nhiên vô cùng với ba ngôi mộ có cùng một ngày tử ở ngay tại ngôi làng Lạc Sơn. Hỏi ra mới biết cả ba con người xấu số ấy bao gồm hai vợ chồng ông xã Lợi và người con dâu. Họ chết cùng một ngày, sau khi ông Lợi leo lên nóc chùa đặt đòn dông cất chùa”. Năm 1959, Bửu Sơn tự được trùng tu. Lần này, ông Đặng Văn Lợi đứng ra chịu trách nhiệm đôn đốc và ủng hộ tiền của nhiều nhất. Do vậy, phật tử muốn chính tay ông đặt đòn dông cho ngôi chùa mới. Tuy nhiên, sau khi vừa đặt xong cây đòn dông, ông Lợi nhận được tin vợ mình đổ bệnh bất thình lình. Bởi bệnh của vợ trở nặng nhanh chóng, không thầy thuốc nào đoán định được bà bị chứng gì, ông Lợi bảo con dâu đưa bà lên bệnh viện của Pháp tại Đà Lạt.
Một góc Bửu Sơn tự.
Ngay hôm sau, ông Lợi cũng tức tốc lên nhà thương thăm vợ. Tuy nhiên, từ lúc ông lên Đà Lạt, ở dưới Phú Sơn, các con ông không hề nhận được tin tức gì của ông cũng như người mẹ đang nằm viện. Nóng lòng, cảm nhận có chuyện không may, anh con trai ông Lợi tức tốc lên bệnh viện, tìm phòng bệnh của mẹ đi vào. Thế nhưng, khi đến nơi, dù trời đã trưa, cửa phòng bệnh vẫn đóng im lìm tuyệt nhiên không một tiếng động. Anh con trai cùng nhiều người gọi cửa nhưng không thấy ai trả lời. Cuối cùng, người của bệnh viện phải leo lên mái, dỡ ngói để trèo xuống.
Cửa phòng mở toang, một cảnh tượng vô cùng hãi hùng hiện ra trước mắt mọi người. Tất cả ba người gồm ông Lợi, vợ ông và cô con dâu đều đã tắt thở mà không có bất kỳ dấu hiệu tổn thương nào. Sau khi khám nghiệm không đem lại kết quả, họ được đưa về Phú Sơn chôn cất cùng một ngày. Sau cái chết bí hiểm trên, nhiều giả thuyết đã được người dân Phú Sơn thêu dệt. Có thông tin cho rằng, ba người này chết vì ông Lợi dám phạm chùa thiêng của người đã khuất. Người khác lại tin rằng mạng ông xung khắc với những vong linh đang gửi mình dưới mái chùa nên bị họ oán mà chết lây,... Thông tin câu chuyện liêu trai trên, trụ trì Bửu Sơn tự, Thượng tọa Thích Minh Châu cho biết: “Với người Việt, việc đặt cây đòn dông cho một công trình xây dựng nào đó vô cùng hệ trọng. Trong chuyện này, không biết chuyện ông Lợi đặt đòn dông chùa Bửu Sơn liên quan đến mức nào với cái chết cùng lúc của ba người, nhưng sự thật là như vậy!”.
Đến hổ trắng, đại mãng xà vây chùa nghe kinh
Sau ngày xảy ra sự việc hy hữu trên, chùa Bửu Sơn tiếp tục xuất hiện nhiều chuyện lạ lùng theo kiểu liêu trai khác. Thượng tọa Thích Minh Châu khẳng định: “Mặc dù, chùa cất nơi rừng thiêng, núi thẳm nhưng cũng rất linh thiêng. Tôi thường nghe các vị trụ trì khác kể về việc có giai đoạn chùa từng chứng kiến việc các loài mãnh thú tới vây chùa nghe kinh. Một trong số đó có chuyện có con hổ trắng chiều chiều từ rừng sâu ra ngồi trước sân chùa nghe kinh. Các thầy đi trước kể rằng, mỗi khi nghe kinh, con vật thường quật đuôi qua lại. Vị trí đuôi con hổ quật lõm xuống và hằn thành một cái hố hình quạt, bóng nhoáng.
Ban đầu, sự xuất hiện của con hổ to lớn cũng khiến phật tử, các thầy hoảng sợ. Nhưng khi thấy nó không có ý hại ai, chỉ thấy nó lững thững đi ra từ gốc cây đa cổ thụ ở trước sân nằm bẹp nghe kinh. Sau thời gian tụng kinh, nó lại ngồi dậy đi vào rừng. Mỗi lần như vậy, các thầy phải nhờ phật tử khiêng nước tới rửa nơi nó nằm vì khi nằm nghe kinh, con hổ thường nhỏ dãi xuống nền đất. Mùi nước dãi, mồ hôi của nó đặc biệt tanh tưởi, khó chịu”. Sau thời gian con cọp trắng xuất hiện, chùa lại chứng kiến việc những con rắn rất lớn kéo về quanh chùa trú ngụ. Cũng như con hổ, lũ rắn này to lớn khác thường và thường xuyên xuất hiện trong giờ đọc kinh.
“Qua mấy năm con cọp đi nhiều loài rắn lớn lại về chùa nghe kinh. Những con rắn to, đen trùi trũi đến nỗi người ta phải gọi đại mãng xà. Cho đến bây giờ, người dân địa phương vẫn bắt gặp những con rắn này trong khuôn viên chùa. Đặc biệt, bây giờ vẫn còn cặp đại mãng xà thân to bằng phích nước. Đây là chuyện hoàn toàn có thật. Rất nhiều người đi làm rẫy ở gần chùa đã bắt gặp chúng rồi. Những năm trước, những dịp cúng tế, chùa cũng thường để lại đồ chay cho rắn vào ăn tự nhiên. Điều lạ cho đến nay, chưa ai nghe việc bị chúng uy hiếp. Bản thân tôi chưa gặp cặp đại mãng xà này, tuy nhiên việc bắt gặp những bầy rắn thuộc loại lớn trong khuôn viên chùa thì khá thường xuyên”, trụ trì Thích Minh Châu thông tin thêm.
Thượng tọa Thích Minh Châu vui vẻ chia sẻ những câu chuyện kỳ bí tại ngôi chùa thiêng.
Thần đa 200 tuổi lưu giữ vong linh người xấu số!?
Thăm chùa, khách viễn phương không chỉ choáng ngợp trước ngoại cảnh thơ mộng như chốn bồng lai mà còn ngỡ ngàng trước sự to lớn, khổng lồ của cây đa cổ thụ trong khuôn viên chùa. Sừng sững, vút cao nơi sườn đồi cạnh ngôi chùa nhỏ, cây đa cổ thụ um tùm, xum xuê cành lá trông xa như một tòa tháp hình vòm màu xanh ngắt. Những rễ phụ to như cột đình, ngoằn ngoèo, xù xì từ trên cao bắt xuống đất khiến cho “tòa tháp” trên càng thêm ma quái. Được biết đây là cây đa có tuổi đời cao nhất trong hệ thống những cây đa của chùa.
Thông tin về cây đa cổ thụ, Thượng tọa Thích Minh Châu cho biết: “Không ai có thể đoán định được tuổi của cây đa này. Theo tôi biết, cây đa này đã có mặt ở đây trước khi chùa này được xây cất. Chùa này cũng ngoài trăm tuổi, vậy cây đa này chắc cũng ngoài 200 năm rồi. Các trụ trì trước và bà con của xã đều tin cây đa này rất linh thiêng và thể hiện sự tôn nghiêm đặc biệt với nó”. Theo đó, cây đa trên không chỉ nổi tiếng về sự khổng lồ mà còn là nơi ẩn giấu các vong linh xấu số vong mạng tại mảnh đất núi Ông.
Anh Nguyễn Xuân Hải, ngụ thôn Lạc Sơn, xã Phú Sơn, phật tử của chùa nhấn mạnh: “Trước đây, khu vực núi Ông này vốn là đồn điền cao su của Pháp. Để có nhân công khai thác cao su, thực dân bắt bớ người dân làm công nhân và bóc lột, hà hiếp vô cùng ác độc. Nhiều người đã vong mạng tại đây. Rất nhiều người khẳng định việc thường xuyên nghe thấy tiếng khóc than của hàng trăm người phát ra từ cây đa. Cũng từ gốc đa này, người ta thấy cặp mãng xà khổng lồ lướt ra rồi biến mất. Đất xung quanh cây đa đã được khai phá trồng cây lâu năm, nhưng tuyệt nhiên không ai dám mạo phạm đến khu đất quanh gốc đa”.
Liên quan đến thông tin trên, Thượng tọa Thích Minh Châu cho biết: “Việc có âm thanh như tiếng khóc than phát ra từ thân cây đa là chuyện thật có nghe. Chùa cũng nhận được tin nhiều người thấy những hiện tượng lạ, kỳ bí, tâm linh từ cây này. Cho nên, tháng trước, tôi đã lập trai đàn cúng tế vong linh chết oan. Những hôm ấy, đang trong mùa mưa, mưa giăng khắp nơi nhưng khi tôi lên đàn tế thì trời bỗng tạnh mưa, nắng ráo. Trong khi đó, khu vực xung quanh vẫn mưa bình thường. Sau khi tế xong, trời lại mưa như trút nước. Đến nay, người ở chùa không ai nghe tiếng than khóc nữa. Thỉnh thoảng chỉ bắt gặp cặp mãng xà lướt ra từ gốc đa cổ thụ rồi biến mất”.
Thu hút nhiều khách tham quan Ông Nguyễn Minh Trang, Chủ tịch xã Phú Sơn cho biết: “Chùa Bửu Sơn gắn liền với văn hóa lịch sử của xã Phú Sơn. Chùa được xây dựng trước thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, từ ngày mới hình thành chùa đã thành nơi thể hiện đời sống tinh thần của người dân trong xã. Đến nay, chùa trở thành nơi thờ cúng, thể hiện đời sống tâm linh của hơn 50% người dân theo đạo Phật của địa phương. Hơn thế, với cảnh đẹp tự nhiên cùng những câu chuyện, giai thoại liêu trai, mỗi năm, chùa cũng thu hút một lượng khách tham quan nhất định cho xã”. |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài