Rau rừng là những loại rau mọc hoang dại ở trong rừng, từ lâu đã gắn với bà con các dân tộc. Chúng có hương vị độc lạ, khác hẳn với rau ở miền xuôi. Đó là nguyên liệu để làm nên nhiều món đặc sản nổi tiếng mà người thành phố ít có cơ hội thưởng thức. Một trong số đó là rau Rnhao ở Đắk Nông.
Cây Rnhao còn có tên gọi khác là Yao. Loại cây dại này thường mọc dưới tán cây lớn hoặc dựa vào thân cây khác để vươn lên.
Lá Rnhao có hình thù tương tự như lá bép, da trơn nhẵn như lá trầu không. Khi ăn có vị ngọt ngọt và mùi thơm đặc biệt.
Theo báo Đắk Nông, lá Rnhao là nguyên liệu không thể thiếu trong món canh bồi của người M'nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Canh bồi của người M'nông thường được nấu trong những chiếc nồi đồng hay nồi gang to cho cả đại gia đình cùng ăn.
Món ăn này có nhiều nguyên liệu, gia vị kết hợp, phù hợp cho người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Các nguyên liệu nấu món đặc sản truyền thống này có thể thay đổi theo sở thích hoặc khẩu vị của người nấu, tận dụng những nguyên liệu có sẵn theo mùa. Ví dụ rau thì có thể là lá bép, đọt mây hay đọt mướp, đọt bí, bông mướp…
Các loại thịt thay thế cho nhau để nấu canh bồi như thịt heo, sườn heo, thịt bò, thịt gà…Tuy nhiên, ít ai biết để nấu được món canh bồi đúng vị M'nông phải lên nương, lên rừng kiếm được lá Rnhao. Người M'nông sẽ chọn hái những lá vừa già tới về để nấu canh bồi.
Cách sử dụng lá Rnhao trong món canh bồi của người M'nông cũng khá đặc biệt. Có thể sử dụng lá tươi hoặc lá khô.
Vì người M'nông có thói quen ăn canh bồi trong bữa cơm hằng ngày nên thường cất trữ lá Rnhao khô trong gian bếp. Tuy nhiên, việc chế biến bằng lá tươi thì món ăn có độ ngọt, thơm hơn nhiều.
Lá Rnhao được dùng trong công đoạn làm bột gạo. Đây được xem là nguyên liệu quan trọng nhất của món canh bồi hay canh bột.
Chỉ cần 5 - 10 lá Rnhao giã cùng gạo đã ngâm mềm để ráo nước từ trước. Gạo và lá rau rừng này được cho vào chiếc cối gỗ lớn, dùng chày giã thật nhuyễn, nát đều, hòa trộn vào nhau.
Theo người M'nông, gạo giã càng nhuyễn, càng mịn thì món canh bồi đặc sản ăn càng ngon ngọt. Trong món canh bồi, sau khi nấu nồi nước sôi, cho các nguyên liệu thịt, rau, nêm nếm gia vị xong mới lấy bột gạo đã giã với lá Rnhao hòa vào nước rồi đổ từ từ vào nồi canh bồi.
Bột gạo dùng để tạo độ sệt cho món canh, còn lá Rnhao làm cho món ăn khi nấu mau mềm, dẻo hơn, tạo thêm độ ngọt và hương vị đặc trưng riêng cho món canh bồi truyền thống của dân tộc M'nông.
Chia sẻ với Tri thức & Cuộc sống, chị Lịch (ở huyện Krông Nô, Đắk Nông) cho biết: "Lá Rnhao mọc ở trong rừng hoặc ở cạnh sông ngòi, ao hồ. Thứ cây dại này có tên rất khó đọc khiến ai nghe cũng thấy tò mò. Với đồng bào dân tộc, loại lá này gắn với món ăn đặc sản dân dã từ lâu, còn người thành phố hầu như ít ai được biết đến.
Trong một số nhà hàng ở Đắk Nông, canh bồi cũng được đưa vào thực đơn để thiết đãi du khách gần xa. Nhiều người sau khi ăn canh bồi thì tìm mua lá Rnhao về thành phố để nấu thử. Người dân địa phương cho biết lá Rnhao có thể làm các món canh khác, nhưng canh bồi là thích hợp nhất".
Tại một số phiên chợ quê, bà con dân tộc hái lá Rnhao để bán. Ngoài lá tươi còn có cả lá khô để các bà, các mẹ mua gửi cho con ở xa hoặc gửi đi một số tỉnh thành cho khách.
Từ thứ lá dại mọc ở trong rừng không ai biết đến, giờ đây lá Rnhao của đồng bào dân tộc ở Đắk Nông được ưa chuộng bởi hương vị lạ lẫm, nhiều người thích mê sau khi ăn thử lần đầu.
Minh Hoa (t/h)