Bán dâm - “nghề truyền thống”
Làng Nat Purwa ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ là một ngôi làng nghèo phải chật vật kiếm sống như bao ngôi làng khác ở Ấn Độ để vượt qua thời kỳ kinh tế khủng hoảng chung. Tuy nhiên, cái nghề để giúp làng vẫn đứng vững được không phải là một công việc bình thường như xây dựng, ngân hàng hay kinh doanh. Đó là một nghề đã có từ lâu đời, mang tính chất truyền thống và kéo dài qua nhiều thế hệ trong gia đình người dân nơi đây: Nghề mại dâm.
Bà Chandralekha (50 tuổi), một người kỳ cựu trong nghề cho biết, cái nghề này mang lại sự sung sướng cho đàn ông, rõ ràng đây là một nghề "tốt" và cũng giúp mọi người trong làng có thu nhập "ổn định". Bà Chandrakekha bước chân vào nghề ở cái tuổi 15 như bao cô gái khác trong làng.
Bà Chandralekha kể lại nguyên nhân khiến bà đi theo "truyền thống" của làng trong cay đắng: "Ngay từ khi còn bé, bà ngoại tôi bảo, cả làng đều làm nghề mại dâm và nó chẳng có gì đáng xấu hổ cả. Nếu hòa nhập với thế giới đó thì có gì phải băn khoăn? Chính bà là người đã dẫn dắt tôi từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ với nghề. Đời tôi là cả một bộ phim buồn dài tập. Ngay buổi đầu tiên làm nghề, tôi đã "may mắn" được qua đêm với 6 người đàn ông xa lạ".
Số phận những người phụ nữ ở làng Nat Purwa có thể thay đổi? (Ảnh minh họa).
Mới 50 tuổi, bà Chandralekha trông khắc khổ và già hơn tuổi rất nhiều. Khuôn mặt đượm buồn của bà đầy những vết nhăn của sự vất vả. Bà Chandralekha từ từ tâm sự về nghề truyền thống của làng như để giãi bày tâm sự giấu kín từ lâu. Bà cho biết, ngay từ lần đầu tiên đó, bà cảm thấy rất nhục nhã khi bị coi là một món đồ giải trí trong tay những vị khách nhiều tiền và điều khiến bà không thể bỏ được nghề là cái bụng của bà. Sự nghèo đói luôn thường trực bên cạnh bà và gia đình, chỉ có cái nghề mang sung sướng đến cho người ta này mới có thể giúp bà tồn tại.
Nhưng rồi không chịu nổi khi nhiều lần bị lạm dụng tình dục, bà Chandralekha đã quyết định đoạn tuyệt với cái nghề đã nuôi sống bà và gia đình trong hàng chục năm. Người đàn bà bất hạnh nói: "Tôi nhận ra mình chỉ là thứ đồ giải trí và sẽ mãi như vậy nếu tiếp tục chung thủy với nghề. Tôi không thấy được giá trị của bản thân khi còn trong nghề. Gái mại dâm thì chỉ là gái mại dâm mà thôi". Bà Chandrakekha là một trong số ít người của làng dũng cảm "đoạn tuyệt" với cái nghề được cả làng coi là truyền thống và cần được duy trì.
Bà Chandralekha và hàng ngàn phụ nữ khác của ngôi làng Nat Purwa đã phải sống trong thiệt thòi chỉ vì cái nghề đang gây nhiều tranh cãi ở các nước. Trước khi mại dâm được xem là một nghề của làng và được coi là nghề kiếm ăn dễ dàng bằng "vốn tự có" này, làng Nat đã có lịch sử làm nghề mua vui, giải trí cho xã hội từ rất lâu và một số người vẫn tiếp tục duy trì truyền thống này của tổ tiên. Dần dần, nó như "một nét văn hóa" của cả ngôi làng. Bà Chandralekha không hề biết vì sao làng lại tồn tại cái nghề truyền thống lạ kỳ đến vậy, bà chỉ biết nhắm mắt đi theo sự dẫn dắt của người đi trước.
Madhu Kiswar, biên tập viên tờ Manushi, một tạp chí và diễn đàn quyền phụ nữ, đã giải thích nguồn gốc nghề mại dâm như sau: Vào năm 1871, thực dân Anh thông qua Đạo luật Hình sự Bộ lạc, để phân biệt rõ các bộ lạc khi dính dáng đến "các hoạt động phạm tội hình sự".
Cộng đồng người Nat là một trong những bộ lạc rơi vào tầm ngắm của đạo luật này. "Họ từng là những vũ công, những diễn viên nhào lộn, tung hứng và ảo thuật. Trong suốt thời kỳ thực dân, nước Anh đặt họ ra khỏi vòng pháp luật. Họ bị đánh đập, bắt giữ, giam cầm và không ngừng bị bạo hành.
Những hành động này đã làm cạn kiệt nguồn sinh kế truyền thống của họ và những người phụ nữ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chọn con đường không ai muốn chọn. Họ buộc phải làm nghề mại dâm", Kiswar nói. Đã hơn 60 năm trôi qua, sau khi độc lập, khung pháp lý ở Ấn Độ vẫn "đặt" một số cộng đồng trong đó có người Nat nằm ngoài lề xã hội vì ảnh hưởng của lịch sử.
Bà Chandralekha đau đớn kể về “nghề truyền thống của làng”.
"Làng con hoang"
Làng Nat Purwa có số lượng trẻ em khá đông. Bọn trẻ đều có một điểm chung là có tên nhưng không có họ. Tất cả chúng đều không biết họ của mình bởi chính mẹ chúng cũng không biết cha của đứa trẻ là ai. Hậu quả của cái nghề dễ gặp “tai nạn” chính là những đứa trẻ ngây thơ, không biết sự thật đau đớn này. Từ rất lâu rồi, người ta vẫn thường quen gọi làng Nat bằng một cái tên khác, cái tên thể hiện đầy sự kỳ thị "làng con hoang".
Nhưng chính vì cái tên này đã khiến nhiều người gặp khó khăn trong cuộc sống. Ví dụ điển hình của làng là anh Ram Babu, một nhà nghiên cứu đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở địa phương có tên Quỹ sự thật Asha. Anh Rabu từng phải đối diện với sự coi khinh của xã hội khi nói về xuất thân của mình. Anh buộc phải từ bỏ mục tiêu học hành cao hơn khi xã hội không cho anh cơ hội đó.
Ram Babu ngậm ngùi chia sẻ: "Khi chúng tôi đi học, người ta thường hay dò xét tôi bằng các câu hỏi khó nghe như: "Cậu là con của ai? Có phải cậu là con trai của gái điếm? Chắc chắn cậu là một đứa con hoang? Cha cậu chắc là một vị khách giàu có nhỉ?". Đây là những câu hỏi xoáy mà tất cả chúng tôi đều phải đối mặt. Tôi chắc chắn những đứa trẻ như tôi đều bị tổn thương sâu sắc bởi những câu hỏi tương tự như vậy".
Tuy khá thất vọng về sự kỳ thị này nhưng theo quan điểm lạc quan của Babu thì cách tốt nhất để vượt qua cái tên "làng con hoang" là phải chứng tỏ được khả năng của mình, làm việc năng nổ để có một tương lai tốt hơn cho các thế hệ sau.
Phát biểu trên một hãng tin của Ấn Độ, Babu nói: "Ít nhất 30% phụ nữ trong làng Nat Purwa vẫn đang hành nghề mại dâm. Nếu muốn nhìn thấy sự tiến bộ, cách tốt nhất là bạn nên cung cấp cho họ một nghề đàng hoàng. Nếu họ nhận thấy nghề đó có thể nuôi sống mình thì họ sẽ từ bỏ nghề mại dâm "truyền thống". Theo ý tôi, sự thiếu giáo dục và giáo dục sai đang làm chậm tiến trình đổi mới nhận thức. Đó là vấn đề lớn ở đây. Khi không có giáo dục, mọi thứ đều lầm đường lạc lối".
Vấn đề giáo dục tại làng Nat cũng là một điều đáng phải chú ý. Trường học ở đây hết sức ảm đạm, thiếu thốn cơ sở vật chất trầm trọng. Hơn nữa, ngôi trường lại nằm khuất sâu trong khu vực hoang vắng cách biệt với xã hội, trường chỉ có một phòng học, vài chiếc ghế băng và một chiếc bảng đen sắp hỏng.
Một cô bé 12 tuổi bẽn lẽn, rụt rè nói: "Cháu không biết cháu sẽ làm gì sau này. Cháu sẽ làm bất cứ nghề gì có thể. Một công việc văn phòng như thủ thư chẳng hạn". Nói như vậy nhưng chính cô bé cũng không cảm thấy được có cơ hội thay đổi số phận do mẹ mình sắp đặt. Liệu những đứa trẻ như cô bé có tiếp nối sự nghiệp lâu đời của cả làng? Môi trường sống ở làng Nat cùng sự nghèo đói và lạc hậu đang kìm hãm số phận của những người phụ nữ nơi đây, khiến nghề mại dâm trở thành "định mệnh" của chính họ, xóa đi con đường giúp họ chạm tay đến giấc mơ xa xôi, giấc mơ đổi đời.
Đàn ông cũng "hành nghề" Tiến sĩ Anuja Agrawal, người nghiên cứu về đề tài này cho biết, Nat Purwa không phải là làng duy nhất ở Ấn Độ sống bằng nghề truyền thống độc đáo này. Thực sự, các nhà thống kê rất khó xác định chính xác số lượng "làng nghề mại dâm" như Nat Purwa. Bà Agrawal cũng tiết lộ "bí mật" giữa các ngôi làng này là toàn bộ những cộng đồng mại dâm đều có sự liên kết với nhau. Bà Agrawal nói: "Họ dễ dàng chia sẻ với nhau về một quá khứ đen tối. Họ đều là những bộ lạc du mục sống quần cư với nhau ở nhiều ngôi làng nhỏ để giúp nhau mỗi khi cần thiết". Bà Agrawal còn cho biết, không ít trường hợp cả gia đình cùng tham gia hành nghề, trong đó đàn ông cũng tham gia bán dâm, khiến cho nghề này trở thành “cần câu cơm” chính của gia đình. |
Hồng Nhung (Theo Dailymail/Aljazeera)