Nga sắp chuyển giao S-400
Theo TASS, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết việc chuyển giao các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga sang nước này có thể hoàn tất vào tháng 11 hoặc tháng 12.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết việc chuyển giao các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga sang nước này có thể hoàn tất vào tháng 11 hoặc tháng 12.
NTV dẫn lời phát biểu của ông Erdogan với báo giới sau chuyến công du Azerbaijan nêu rõ: "Mỹ cho biết họ sẽ không bán chúng (các hệ thống tên lửa Patriot). Điều gì đã xảy ra sau đó? Chúng tôi đã mua S-400, và việc giao hàng đang được tiến hành. Giai đoạn cuối cùng sẽ hoàn tất vào tháng 12 hoặc có thể là tháng 11."
Tháng 9/2017, Nga thông báo ký một hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD với Thổ Nhĩ Kỳ về việc chuyển giao các hệ thống S-400.
Lô đầu tiên được giao cho Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu hồi tháng Bảy. Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã phản đối Ankara mua các hệ thống này từ Nga.
Cứu vãn chương trình tiêm kích F-35
Việc Mỹ không ngăn Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria có thể nhằm cứu vãn chương trình tiêm kích F-35 và khôi phục quan hệ song phương.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm tuần trước với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý rút khoảng 50 binh sĩ Mỹ đồn trú ở biên giới phía bắc Syria, nhằm tạo điều kiện cho Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân xuống phía nam, mở đầu chiến dịch Mùa xuân Hòa bình chống lại dân quân người Kurd.
Động thái này trên thực tế sẽ chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria sau 5 năm đổ nhiều tiền của chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở nước này.
Ông Ali Demirdas, chuyên gia ngành khoa học chính trị thuộc đại học South Carolina ở Mỹ, nhận định một trong nguyên nhân hàng đầu khiến Mỹ làm ngơ trước chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ chính là dự án siêu tiêm kích F-35.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đồng minh thân cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hồi tháng trước tiết lộ Washington đang tìm cách kéo Ankara trở lại chương trình siêu tiêm kích F-35. Tuyên bố này khiến nhiều người ngạc nhiên bởi Thổ Nhĩ Kỳ bị gạt khỏi dự án hồi tháng 7, quốc hội Mỹ cũng liên tục đe dọa áp dụng Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua Lệnh cấm vận (CAATSA) để phản đối việc Ankara mua tên lửa phòng không S-400 của Moskva.
Ý định áp dụng đạo luật CAATSA của Mỹ vấp phải phản ứng quyết liệt khi Thổ Nhĩ Kỳ dọa trả đũa bằng một cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực YPG kiểm soát ở Syria và thiết lập vùng an toàn.
Washington đã cử đặc phái viên về Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 8 để ngăn Ankara tấn công YPG. Ông Trump và ông Erdogan cũng thống nhất tăng giá trị thương mại song phương lên 75 tỷ USD trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản. Các động thái này đều nhằm thuyết phục Ankara từ bỏ hành động quân sự và tham gia tuần tra chung với Washington dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Đề nghị đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại dự án F-35 được xem là nỗ lực cuối cùng để thuyết phục Ankara không hủy hoại "dự án YPG" mà Lầu Năm Góc dày công xây dựng suốt hơn 5 năm qua. Ở một góc độ khác, động thái này cũng được nhìn nhận như là nỗ lực cứu vãn chương trình tiêm kích đắt đỏ nhất lịch sử khi một trong những đối tác chủ chốt bị gạt khỏi dự án.
Trước khi bị gạt khỏi dự án, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đặt mua nhiều tiêm kích F-35 thứ ba thế giới. "Sẽ không thông minh khi gạt bỏ quốc gia đặt mua hơn 100 máy bay trong bối cảnh Mỹ có thể mất nhiều thị trường tiềm năng", chuyên gia Demirdas nhận xét.