Trước thực trạng này, nhiều chủ phương tiện kỳ vọng “xế cưng” của mình sẽ được bảo hiểm để tránh những thiệt hại quá lớn về tài chính cho túi tiền cá nhân. Đây là tâm lý dễ hiểu, bởi bảo hiểm vật chất xe ô tô là loại hình bảo hiểm tự nguyện, có phạm vi bồi thường cho chủ xe những thiệt hại về vật chất xảy ra do những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe trong những trường hợp như: đâm va, lật, đổ, rơi; hỏa hoạn, cháy, nổ; những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên; mất cắp, mất cắp toàn bộ xe.
Theo chia sẻ từ các chuyên gia và luật sư: "Tất cả những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra đều được bảo hiểm, do đây không phải là trường hợp bất khả kháng, khi là cơn bão được dự báo trước, đã biết đường đi và có thời điểm đổ bộ".
Tuy nhiên, tham khảo tại nhiều gara, tình trạng các chủ xe khi mang phương tiện vào sửa chữa sau thiên tai mới phát hiện bảo hiểm của mình “vô tác dụng” không phải hiếm. Tuy nhiên vấn đề này, với từng trường hợp yêu cầu bảo hiểm phải nhìn vào hợp đồng cụ thể.
Người tham gia bảo hiểm ô tô cần phải chú ý đến phạm vi bồi thường của hợp đồng bảo hiểm ngay từ khâu xác lập hợp đồng, bởi nhiều trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại như: Hành động cố ý của chủ xe/lái xe gây thiệt hại; đua xe, hư hỏng về điện không phải do tai nạn; hao mòn tự nhiên...
Theo các chủ gara chia sẻ: ”chủ xe cũng cần lưu ý, các gói bảo hiểm thường chia thành nhiều phân hạng với quy định cụ thể về những loại hình rủi ro có thể được chi trả. Trong đó, thủy kích (xe bị bó máy do ngập nước) hay các tác động thiên tai (bao gồm cả cây đổ)… thường nằm trong các gói riêng.
Nếu chủ xe không chọn các hạng mục này khi mua bảo hiểm, gói bảo hiểm dù vẫn mang tên bảo hiểm vật chất nhưng không đồng nghĩa những rủi ro do thiên tai sẽ được chi trả”.
Với thực trạng hiện nay, phổ biến tình trạng người mua bảo hiểm cho ô tô chủ quan, ít khi đọc kĩ các điều khoản hợp đồng, dẫn đến những sơ hở đáng tiếc. Người tham gia bảo hiểm phải phân biệt rõ giữa các khái niệm, ví dụ như ngập nước và thủy kích, để nắm bắt phạm vi bồi thường của bảo hiểm.
Về khía cạnh này, cách dùng từ ngữ mập mờ từ phía bảo hiểm cần tránh, như khái niệm “các giấy tờ khác” mà chủ xe cần nộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, hay thế nào là “chỗ đỗ an toàn”, thế nào gọi là “thiên tai”… Đặc biệt, hợp đồng bảo hiểm cần ghi rõ ràng các bước cần làm khi xe gặp rủi ro.
Trong đó, quy trình xử lý sau rủi ro phải nêu rõ các bước chủ xe cần làm, cụ thể cả việc thu thập video, hình ảnh và những bằng chứng/giấy tờ cần thiết khác về tình trạng của phương tiện để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm. Một số trường hợp bảo hiểm thậm chí yêu cầu công ty cây xanh xác minh bằng văn bản về cây trồng đúng quy định, hoặc cơ quan chức năng xác minh điểm xe dừng đỗ có hợp pháp hay không… Thiếu những yếu tố này, công ty bảo hiểm luôn có quyền từ chối bồi thường.
Mỗi doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có một bộ quy tắc bồi thường bảo hiểm riêng, được xây dựng trên cơ sở các quy định của Bộ Tài chính, và nhân viên bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp quy tắc này cho người tham gia bảo hiểm. Vì thế, người mua bảo hiểm cần tìm hiểu, tham khảo để nắm rõ những quyền lợi nghĩa vụ các bên trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm cũng như đòi hỏi quyền lợi bảo hiểm về sau, đặc biệt trong các tình huống thiên tai như siêu bão Yagi.
Trên cơ sở những phức tạp trong quá trình làm thủ tục bảo hiểm liên quan đến thiên tai nêu trên, các ý kiến cũng đều khuyến nghị, việc có một nhân viên tư vấn bảo hiểm "có tâm" và những tư vấn pháp lý ngay từ đầu là rất quan trọng.
Một số quan điểm cũng cho rằng, do thời gian tiến hành các thủ tục chi trả bảo hiểm thường bị kéo dài, người dùng trong trường hợp cần sử dụng xe có thể chủ động sửa chữa rồi tính toán thống nhất chi trả với bên bảo hiểm sau.
Nguồn ảnh: Tổng hợp
Ngọc Hoàng