Tổ tuần tra cơ động bảo vệ rừng Vườn quốc gia Ba Bể phát hiện một cây gỗ nghiến bị chặt hạ trái phép tại khoảnh 4 - tiểu khu 71 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Ba Bể. Cây gỗ dài 9m và đường kính rộng 1m với tổng khối lượng là 10,381m3.
Theo ông Bùi Văn Quang - Giám đốc Vườn quốc gia Ba Bể, cây gỗ nghiến này bị mục lõi từ đầu cho đến gốc, chỉ chặt vào gốc khoảng 15cm là phát hiện thân cây bị mục, nhưng các đối tượng khai thác trái phép vẫn cố tình đốn hạ cây.
Cây gỗ nghiến này ước tính có tuổi đời lên đến cả nghìn năm nhưng thân bị mục gần hết nên hầu như không có giá trị kinh tế. Vườn quốc gia Ba Bể đã báo cáo lên tỉnh về sự việc trên và phối hợp với Công an huyện để truy tìm đối tượng chặt hạ cây.
Trong năm 2017, đã có gần 30 cây gỗ nghiến bị chặt hạ tại Vườn quốc gia Ba Bể. Thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi và táo tợn.
Nếu như trước đây, các cây gỗ nghiến bị chặt hạ nằm sâu trong rừng thì nay nằm rất gần mặt hồ. Như cây gỗ nghiến vừa mới bị chặt hạ này nằm trên khu vực rừng Lủng Chuông, gần cửa sông Tà Han, đối diện đền An Mạ, chỉ cách lòng hồ khoảng vài trăm mét.
Mặc dù tỉnh Bắc Kạn và Vườn quốc gia Ba Bể đã đưa ra nhiều chính sách quyết liệt để giải quyết nhưng tình trạng khai thác gỗ nghiến trái phép vẫn có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là vào cuối năm.
Một thớt gỗ nghiến được khai thác và đưa ra khỏi bìa rừng có giá khoảng gần 200.000 đồng, khi đến tay các tiểu thương thì giá lên đến gần 500.000 đồng.
Lợi nhuận cao khiến các đối tượng khai thác gỗ trái phép không ngần ngại sử dụng mọi thủ đoạn để khai thác, chặt hạ trái phép những cây gỗ nghiến cổ thụ có tuổi đời từ vài trăm đến cả nghìn năm, xẻ thớt đem bán.
Nhiều người lo ngại, nếu như các cơ quan chức năng không có các chế tài mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn tình trạng này thì chỉ vài năm nữa, rừng quốc gia Ba Bể sẽ chẳng còn cây gỗ nghiến lớn nào.
Theo Mạnh Hà - Hoàng Giang (TTXVN)