Nếu chỉ nhìn hình, liệu bạn có thể đoán được đây là giống cây gì hay không? Đây thực chất chính là cây cam thảo - một vị thuốc vô cùng quen thuộc trong y học cổ truyền mà không ít người Việt đều biết đến.
Tuy nhiên, người Việt thường chỉ nhìn thấy cam thảo khô trong các hiệu thuốc Đông y. Không nhiều người biết hình dáng cây cam thảo tươi như thế nào.
Cây cam thảo tươi có phần thân mềm mại, phân nhiều nhánh và phủ một lớp lông mịn. Chúng cũng có hoa mọc thành chùm từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Cây cam thảo thường mọc ở ven đường, bụi rậm và ven sườn đồi.
Người ta thu hoạch cam thảo vào khoảng năm thứ năm, thường vào mùa đông khi cây chết. Bộ phận sử dụng được của cam thảo là rễ và thân rễ. Tại thời điểm này, bộ rễ đã chắc, nặng, nhiều bột và chất lượng tốt.
Ở Trung Quốc, cam thảo có tên gọi là “cỏ ngọt”, bởi nó mang một vị ngọt tự nhiên. Loại dược liệu này có công dụng thanh nhiệt, giải độc, kích hoạt tuần hoàn máu và loại bỏ ứ máu, giảm sưng, giảm đau.
Ngoài ra, cam thảo còn có thể dùng để chữa bệnh kiết lỵ, sốt ban đỏ, lở loét và một số triệu chứng khác.
Trong những năm gần đây, khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các phương pháp dưỡng sinh và trị bệnh tự nhiên, cây cam thảo ngày càng thu hút được đông đảo sự chú ý.
Ở Trung Quốc, cam thảo hiện có giá bán lên đến 36 NDT (122.000đ)/kg. Ở Việt Nam, cam thảo được nhập giống từ Trung Quốc và Nga, đem về trồng thử nghiệm ở Vĩnh Phú (Tam Đảo), Hà Nội, Hải Hưng nhưng chưa phát triển được rộng rãi.
Tại nước ta, giá cam thảo khô thậm chí còn cao hơn, dao động từ 230.000 - 250.000đ/kg tùy thương hiệu, chất lượng, nguồn gốc và quy cách đóng gói.
Việc trồng cam thảo cũng không phức tạp, bởi giống cây này không có yêu cầu cao về môi trường, thích ứng tốt với nhiều điều kiện đất và khí hậu, có thể trồng ở ven đường, sườn đồi và dưới rừng thưa. Cây có thể được nhân giống bằng hạt hoặc thân rễ. Tỷ lệ này mầm cao và có thể đạt được khả năng sinh sản trên diện rộng.
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)