Hôm qua có một cái tin rất vui trên một tờ báo: “Thầy cô hái xoài trong sân trường tặng học trò cuối năm học”, theo đó các thầy cô một lúc làm được mấy việc: dạy các em biết yêu quý, bảo vệ cây xanh, biết chăm sóc cây xanh, đồng thời là bài học trực quan về câu tục ngữ “ăn quả nhớ người trồng cây”.
Nó chứng tỏ rằng, những cây xoài này rất tốt trong sân trường, thế nên ngoài hai việc ý nghĩa trên, nó còn một việc rất tốt nữa, là làm mát sân trường, che nắng sân trường.
Nhớ, từng có những vụ cây đổ trong sân trường gây thương vong cho học sinh, rồi để bảo đảm an toàn, những ta phải chặt cây hàng loạt, cả những cây đang rất tươi tốt.
Sân trường chang chang nắng.
Tôi từng lên một trường học ở biên giới của tỉnh Gia Lai, xung quanh trường cây um tùm nhưng trong trường thì... chỉ còn mấy cái gốc xà cừ rất lớn. Toàn bộ hệ thống xà cừ rất mát trong trường đã phải thuê người vào chặt, bởi khi ấy dư âm cây gãy đổ gây thương vong ám ảnh hầu như tất cả các trường học và phụ huynh học sinh trên cả nước.
Không thể trách được các thầy cô, bởi nếu lỡ có việc gì xảy ra, họ sẽ phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Mà trường, chả cứ vùng sâu, ngay thành phố, nơi có công ty cây xanh chuyên chăm sóc, xử lý cây, muốn thuê tỉa cành khám cây cũng đâu phải dễ, bởi nó đụng tới vấn đề đầu tiên là... tiền đâu?
Ngôi trường phải chặt cây ở xã biên giới ấy, sau có cô giáo là học trò cũ nhờ nên tôi xin được cái dù rất lớn che kín sân trường, cũng hết mấy chục triệu.
Nhưng rồi vẫn cứ tiếc những cái cây, bởi dù dẫu lớn, dẫu bền tới đâu chăng nữa, nó cũng vẫn chỉ là... dù, vẫn sẽ hỏng.
Tôi từng phải cầu cứu tới một lãnh đạo thành phố nơi tôi sống khi cây phượng ở trường mẫu giáo trước nhà tôi có cành mục, tương lai gãy là rất hiện thực, nhưng trường bất lực. Gọi công ty môi trường đô thị thì họ đã cổ phần hóa, chỉ làm khi bên chính quyền yêu cầu và phải trả tiền. Tất nhiên sau đấy thì cũng giải quyết được khi vị lãnh đạo thành phố ra tay, nhưng để nói, để chỉ chặt một cành cây đã chết khô trong sân trường cũng không phải dễ dàng gì?...
Thế nên, đọc cái tin các thầy cô giáo trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hội Nga, huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An trồng xoài trong sân trường, dạy các em cùng bảo quản, chăm sóc xoài, rồi hái xoài dịp cuối năm tôi rất thích.
Một cái sân trường hết sức thân thiện, hết sức gần gũi, đầm ấm và trọn vẹn nhiều nghĩa. Có thể coi đấy là khu vườn thực nghiệm luôn.
Lâu nay chúng ta cứ mặc định, phàm ở trường học là phượng. Nó gắn với mùa hè, với tuổi học trò, với áo dài trắng hoa đỏ, nhất là từ khi có những bài hát, bài thơ rất hay về phượng.
Nhưng quả là, phượng rất giòn và rễ rất nông. Giòn thì cành gãy, rễ nông thì bật cả gốc.
Thế nên hình ảnh sân trường thành vườn xoài lúc lỉu nó ám ảnh tôi rất mạnh. Và xoài cũng đẹp, ra hoa cũng rất dập dìu ong bướm.
Tất nhiên là không phải chỗ nào cũng trồng xoài được. Nhưng tại sao ta không gợi mở cho các thầy cô giáo, chính là chủ nhân của trường ấy, chủ động kiếm những cây lưu niên phù hợp với trường, với địa phương, để trồng, kết hợp nhiều việc như thầy cô trường THCS Hội Nga nhỉ?
Cảnh quan trường học “xanh, sạch, đẹp” là một trong những tiêu chí “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nó góp phần giáo dục học sinh sống thân thiện, chan hòa với thiên nhiên từ bé. Tôi nhớ có những trường còn sáng tạo là “treo” thư viện lên các cây xanh trong sân trường. Còn hoa là tất nhiên. Và, với việc chung tay chăm sóc cây, giao cho mỗi lớp phụ trách từng cây cụ thể thì đúng là “học đi đôi với hành”...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.