Tại bản Kẻ Mui, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An có một cây sanh nghìn năm tuổi với thế độc lạ. Nhìn từ xa cây sanh này đã cho thấy sự hùng vĩ của mình.
Cây cảnh 1000 năm tuổi ôm đá này được ví như một kiệt tác bonsai thiên tạo. Ngoài dáng thế vô cùng độc lạ, cây sanh còn là chứng tích lưu lại những thiên biến ở vùng đất này nghìn năm qua. Người dân nơi đây coi cây sanh như một biểu tượng trong đời sống tâm linh và gìn giữ như báu vật.
Những người yêu cây cảnh cây sanh đan xen lại với nhau như "phượng múa rồng bay". Đáng chú ý, những cụ cao niên tại bản Kẻ Mui, xã Giai Xuân cũng không nhớ cây sanh có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi họ lớn lên đã thấy cây sanh sừng sững ở đó. Người dân nơi đây ước chừng cây sanh đã có hơn ngàn năm tuổi.
Thông tin trên Thương Hiệu & Sản phẩm, theo đánh giá sơ bộ của các nhà khoa học, nông nghiệp, lâm nghiệp, các chuyên gia sinh vật cảnh: Đây là một cây đại cổ thụ có những đặc điểm độc đáo có thể xếp vào loại “độc nhất vô nhị” không chỉ của Việt Nam.
Mặc dù mọc trên 2 hòn đá cao 6,1m so với mặt đất nhưng cây hết sức vững chãi nhờ ngoài bộ rễ sau khi ôm trọn Hòn Đá Trời, Hòn Đá Đất cắm sâu xuống lòng đất còn có 5 bành rễ (rễ phụ) đường kính 0,3 m đến 0,5m từ cao trình 15m - 17m buông xuống như năm cây sanh con thành những cọc chống.
Vì thế nhân dân ở đây từ lâu đời đã suy tôn cây sanh này là “cây đoàn kết”. Nhờ hệ thống rễ và “cọc chống” đó, hàng trăm trận bão cấp 12, 13 đã đi qua trong hơn 10 thế kỷ qua nhưng cây vẫn đứng thẳng hiên ngang toả bóng mát rượi. Cây nằm ở vị trí hết sức đắc địa phía trước là dãy núi Nháy Đồi Nàng (cô gái nằm ngủ), trên núi có 5 hồ nước trong xanh bốn mùa không cạn nước. Cách cây chưa đầy 200m có khe nước trong xanh chảy từ núi Nháy Đồi Nàng ra bản Kẻ Mui.
Không chỉ vững chãi tỏa bóng mát, cây sanh như một biểu tượng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Dân bản Kẻ Mui coi cây sanh là báu vật, không ai được phép xâm phạm. Đặc biệt, người dân trong vùng không ai dám chặt tỉa cành trên cây sanh này.
Trước đó trao đổi với Dân Việt, ông Vũ Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An chia sẻ, trong đời sống tâm linh của người dân trên địa bàn, cây sanh rất được coi trọng. Một hộ dân sống gần đó có nhiệm vụ trông coi cây sanh. Hàng tháng, đoàn thanh niên, các tổ chức đoàn thể sẽ tiến hành dọn dẹp cảnh quan xung quanh cây sanh này. Từ khi cây sanh được công nhận là cây di sản Việt Nam, địa phương cũng đã tôn tạo, để nơi đây trở thành một điểm tham quan của người dân trong vùng.
Là người dân ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, anh Tú cho biết, được chiêm ngưỡng cây sanh ngoài thực tế mới thấy hết vẻ đẹp của cây. Toàn bộ cấu trúc về hình dáng, thế của cây rất hoàn mỹ, nó như một món quà qúy mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây.
Thời gian qua rất nhiều đại gia trong giới cây cảnh đi "săn lùng" những cây cổ thế độc đáo. Trước sự hùng vĩ của cây sanh này, nhiều người khi biết đến cây sanh với dáng thế độc lạ đã tìm đến để chiêm ngưỡng. Một số người làm nghề buôn bán cây cảnh cũng đã ngỏ ý hỏi mua nhưng dân bản Kẻ Mui quyết giữ lại để chăm sóc và bảo tồn.
Cây sanh 1000 năm tuổi ở Nghệ An đạt tiêu chí “cổ - kỹ - mỹ”, “độc nhất vô nhị”. Ngoài ra, cây còn có giá trị khoa học, lịch sử, văn hoá, tâm linh đạt các tiêu chí “Cây di sản Việt Nam”. Năm 2015, cây sanh cổ này được công nhận là cây di sản Việt Nam cần được bảo vệ.
Trúc Chi (t/h)