Những người đam mê cây cảnh thường mong ước trong đời làm ra một hay hai tác phẩm để đời để tự hào. Điển hình anh Nguyễn Văn Hưng ở Quảng Ninh dù không phải là một nghệ nhân có tiếng, anh chỉ nhận mình là một người đam mê cây cảnh, mong ước có một khu vườn nhỏ để anh em, bạn bè đến chơi, đàm đạo về thú chơi cây cảnh. Trong vườn nhà Hưng lại sở hữu một tác phẩm sanh cổ có giá trị nghệ thuật rất cao. Trong các cuộc triển lãm, nhiều đại gia có tiếng muốn hỏi mua, trả giá vài tỷ đồng nhưng anh chưa bán bởi anh coi đó là “báu vật” trong vườn đã gắn bó với nhau một thập kỷ.
Trao đổi với báo Dân Trí anh Hưng nói: "Lần đầu tôi sang thấy cây đã thích nhưng chủ nhân không bán. Lần thứ hai sang họ có ý định bán nhưng mình không đủ tiền đành gán lại chiếc ô tô đang đi và bán nhà để có đủ tiền mua cây. Tổng số tiền mua cây là 500 triệu đồng”, anh Hưng kể.
Thời điểm mua về cây sanh rất lớn, mỗi bên cành thò ra 2-3m, tán rộng 7-8m. Tuy nhiên với tình yêu mãnh liệt với cây cảnh, Anh Hưng miệt mài tạo tác. Sau 10 năm tác phẩm đã gần như hoàn thiện, nhìn mê mẩn.
Tác phẩm sanh cổ có tên “Vân vũ quần tùng”. Lý giải về cái tên "độc đáo này" chủ cây cho hay: "Bởi thân to, dáng trực, thân hoành bay có nét mềm mại. Thân bám trên một bệ đá rất vững chãi, người xem như cảm nhận như cây tùng cổ thụ đứng trên một ngọn núi cao, trên cao lại có mây, mưa, gió".
Thời gian qua những cây cảnh tiền tỷ thậm chí hàng trăm tỷ không còn hiếm. Trước đó, một nghệ nhân Hà Nội phát giá 30 tỷ cho cây sanh quê có tuổi đời hơn 100 năm.
Theo Dân Việt, anh Toàn đô la (Tp.Việt Trì, Phú Thọ) từng đến hỏi mua và chủ cây ra giá 30 tỷ đồng nhưng anh Toàn chưa đồng ý mua. Anh Tuấn-chủ cây cho hay, sở dĩ cây có giá 30 tỷ đồng bởi đây là cây sanh ta (sanh quê) rất đặc biệt, có 1-0-2 ở Việt Nam. Cây có tuổi đời trên 100 năm, thân mốc trắng và đặc biệt lá như một dòng đột biến.
Theo đó, cây cao khoảng 90cm, nếu tính cả bệ rễ ôm đá thì cây cao khoảng 1,1m. Bệ rễ gần 1m và bông tán dài hơn 1,5m.
Anh Tuấn giải thích, nếu cây có nhiều rễ buông, rễ đó sẽ phá cây, làm cho thân chính không lớn được. Những rễ buông này có thể hóa thành thân sau một thời gian dài.
Các cụ xưa thường làm cây với tay, cành phóng dài và thường có rễ buông nên nhìn cây thiếu độ cổ thụ, côn rụt. Độ côn rụt làm cho cây có “thần” cao hơn với độ tuổi của cây. Chính vì vậy, cây cốt đặc như cây này rất hiếm.
Trúc Chi (t/h)