Điều này có thể mở ra hướng điều trị hữu hiệu đối với các bệnh nhân chấn thương tâm lý hoặc mất trí nhớ.
Các nhà khoa học Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết họ đã tìm ra các tế bào có chức năng lưu lại kí ức nằm trong hồi hải mã (một cấu trúc bên trong thùy thái dương) của con chuột và lập trình để các tế bào thần kinh di truyền được kích hoạt dưới tác động của ánh sáng.
Sau đó, các nhà khoa học đã cấy kí ức giả vào não chuột để làm cho nó tin rằng chân của nó đã từng bị sốc mạnh, trong khi sự thật không phải vậy.
Các nhà khoa học tin rằng sau khi đã cấy thành công kí ức giả vào não của chuột, họ sẽ có thể điều khiển kí ức của chúng và xa hơn nữa là khai thác những bí mật nằm sâu trong bộ nhớ của con vật thử nghiệm.
Ông Bill Kelmm, Giáo sư về khoa học thần kinh thuộc Đại học A&M Texas, cho biết nếu thành công, công trình này này chắc chắn sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chữa trị cho những người bị chấn thương tâm lý như mắc chứng mất trí nhớ.
Tuy nhiên, thành công trên mới chỉ là một hình ảnh phác thảo rất sơ bộ cho quá trình điều trị hiệu quả đối với con người do não bộ của chuột giản đơn hơn nhiều so với của người.
Các nhà khoa học cho biết họ sẽ tiến hành nghiên cứu phương thức tạo ra các ký ức giả và mở rộng ra với những ký ức về đồ vật, thức ăn hoặc thậm chí là người thân.
Theo Thông tấn xã Việt Nam