Chỉ cần ăn một chiếc lá trúc đào có thể khiến trẻ em tử vong. Tuy nhiên theo khảo sát của PV báo điện tử Người đưa tin, hiện nay tại Thủ đô Hà Nội, nhiều tuyến phố trung tâm như Kim Mã (Cầu Giấy), phố Vạn Hạnh, Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, dọc quốc lộ 5,… cây trúc đào được trồng khá phổ biến.
Dọc phố Vạn Hạnh cây trúc đào được trồng rất nhiều.
Theo sách “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của giáo sư Đỗ Tất Lợi: Trúc đào có tên khoa học là Nerium oleander L, thuộc họ trúc đào Apocynaceae. Độc tính của lá trúc đào đã được biết từ lâu. Tại châu Âu, người ta kể những trường hợp lính vùng đảo Corse (một đảo thuộc miền nam nước Pháp) đã bị ngộ độc chết do ăn thực phẩm dùng cành cây trúc đào xiên vào thịt nướng. Có những người bị ngộ độc nặng do uống nước đựng trong chai nút bằng thân cây trúc đào, hay do uống nước suối có rễ cây trúc đào mọc ở gần. Có nước còn dùng bột vỏ thân và bột gỗ trúc đào để bả chuột.
Cắt tỉa cẩn thận trong khu đô thị Việt Hưng.
Trẻ nhỏ chỉ cần ăn một lá trúc đào có thể tử vong.
Khi được hỏi về loài cây này, chị Lê Thị Thúy (bán trà đá ở dọc khu đô thị Việt Hưng cho biết: “Tôi cũng không biết là loại cây này nó độc như thế nào cả, nó có hoa đẹp lắm, có lần tôi còn thấy mấy đứa trẻ trong phố đùa nghịch hái cả hoa”.
Bà Hoa, một người dân sống gần ven phố Vạn Hạnh khá bất ngờ và lo sợ khi được biết về tác hại của loại cây này: “Từ trước tới giờ tôi chưa hề biết loại cây này độc. Chúng được trồng ở đây nhiều năm rồi nhưng giờ tôi mới biết nó là cây trúc đào. Nếu cây này có độc thì ai lại trồng ở gần nhà người dân làm gì”.
Tuy nhiên loại cây "tử thần" này được trồng phổ biến ở Hà Nội, gần khu đông dân cư.
Theo khoa Tài nguyên Dược liệu (Viện Dược liệu), Hà Nội, trúc đào phát triển tốt trong các khu vực cận nhiệt đới ấm áp, được sử dụng rộng rãi như là một loại cây cảnh trong nhà hoặc được dùng trang trí cảnh quan ở các công viên và dọc theo ven đường. Loài cây này chịu khô hạn tốt và chịu được các trận sương giá không thường xuyên tới âm 10°C.
Hoa Trúc đào sặc sỡ và có hương thơm nên được trồng nhiều. Tuy nhiên đặc tính của trúc đào là một trong những loài thực vật có độc tính cao nhất và chứa nhiều hợp chất có độc, nhiều hợp chất trong số này có thể gây tử vong ở người, đặc biệt là trẻ em.
Về công dụng của cây trúc đào, theo khoa Tài nguyên Dược liệu cho biết cây trúc đào được dùng làm nguyên liệu chiết xuất hoạt chất là oleandrin, là một loại thuốc để điều trị bệnh tim. Tuy nhiên vì có độc tính cao nên trúc đào không dược sử dụng trong lĩnh vực y học cổ truyền và chỉ để dùng để chế thuốc trừ sâu.
Tiểu Long – Định Nguyễn