Đến nay, tròn 1 tháng Hà Nội chuyển sang chiến lược "thích ứng với Covid-19", toàn thành phố ghi nhận thêm 1.429 ca mắc Covid-19 (không tính ca nhập cảnh), trung bình 50 F0/ngày.
Hà Nội ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất từ khi dịch bùng phát với 222 ca bệnh trong ngày 9/11. Nhiều ổ dịch mới phức tạp cũng đã xuất hiện trên địa bàn thành phố sau khi nới lỏng giãn cách. Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4) là 5.466 ca, trong đó số F0 ghi nhận ngoài cộng đồng là 2.156 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 3.310 ca.
"Với tình hình dịch hiện tại, số F0 tại Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục gia tăng trong những ngày tới vì hiện nay còn nhiều chùm ca bệnh rải rác ở nhiều quận huyện, cũng như các ca tại cộng đồng", là nhận định của ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) trong cuộc trao đổi với Dân trí sáng 11/11.
Theo ông Tuấn, ở thời điểm hiện tại, Hà Nội đang có 12 ổ dịch/chùm ca bệnh phức tạp và vẫn tiếp tục ghi nhận F0. Số F0 thấp nhất là ổ dịch Phú Vinh, An Khánh với 14 ca và cao nhất là ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng với gần 200 F0.
Ông Tuấn phân tích, sự phức tạp của các ổ dịch, ngoài số ca bệnh được ghi nhận, còn liên quan đến đặc điểm dân cư ở khu vực xảy ra dịch. Tuy nhiên, đã là ổ dịch thì đều cần phải được chú trọng khoanh vùng, xử lý.
Về biện pháp chống dịch, ông Tuấn cho biết, Hà Nội sẽ bám sát theo chỉ đạo chung của Chính phủ. Xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy. Chuyên gia này cũng khẳng định, Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây.
Về tổng thể, các biện pháp chống dịch sẽ căn cứ theo đánh giá cấp độ dịch đã được Chính phủ quy định. Bên cạnh đó, với từng khu vực, thành phố sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với tình hình dịch thực tế.
Theo đánh giá cấp độ dịch được UBND Tp.Hà Nội công bố ngày 6/11, hiện toàn thành phố đang ở cấp độ 2. Trong đó:
- 30/30 quận huyện: Cấp độ 2.
- 312 xã, phường: Cấp độ một.
- 264 xã, phường: Cấp độ 2.
- 3 xã, phường: Cấp độ 3.
Trước câu hỏi vì sao Hà Nội chưa áp dụng cách ly F1 tại nhà, ông Tuấn nhận định: “Quan điểm của Tp.Hà Nội là giữ nguyên việc cách ly tập trung F1 và việc điều trị tập trung F0. Đặc thù của Hà Nội khác các tỉnh”.
Lý giải cụ thể, Phó Giám đốc CDC Hà Nội nêu, thứ nhất, Hà Nội vẫn đủ nguồn lực để tổ chức cách ly tập trung với số lượng như hiện nay. Khi số lượng gia tăng đến mức độ nào đó mới tính đến việc tại nhà.
Hà Nội đặc thù “đất chật người đông” không đảm bảo đủ an toàn khi cách ly tại nhà. F0 nhẹ không triệu chứng cũng vẫn điều trị tập trung, ông Tuấn lý giải nguyên nhân thành phố chưa áp dụng việc cách ly tại nhà đối với F1 và F0 có triệu chứng nhẹ.
Theo Phó giám đốc CDC Hà Nội, tới đây, thành phố sẽ không đưa những trường hợp F0 không triệu chứng vào bệnh viện điều trị tập trung mà sẽ thành lập trạm y tế lưu động.
Việc lập trạm y tế lưu động tại các địa phương cũng tương tự điều trị tại nhà. Bởi, các trạm y tế lưu động này không cố định, không điều trị tập trung. Các quận, huyện, xã, phường đều phải có các địa điểm để điều trị cho F0 không triệu chứng. Hiện nay, số cơ sở cách ly tập trung của Hà Nội vẫn chứa được khoảng 60.000-70.000 F1 trở lên. Đến khi toàn thành phố có khoảng hàng trăm nghìn trường hợp F1 trở lên mới tính đến phương án cách ly tại nhà, ông Tuấn cho biết.
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, Lao Động)