Trước nghi vấn Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam, ông Phạm Văn Tam đã có thư ngỏ để trấn an nhà phân phối và khách hàng.
Theo ông Tam, ngay từ khi khởi nghiệp, bản thân CEO này và toàn thể tập đoàn Asanzo đều hướng đến những đích chung “cao đẹp, hướng đến những lợi ích của cộng đồng và của chính các thành viên trong gia đình Asanzo”.
CEO Asanzo khẳng định, thương hiệu này không lừa dối người tiêu dùng về nơi sản xuất hàng hóa và đang hợp tác với cơ quan chức năng điều tra làm rõ vấn đề này.
"Việc Asanzo sử dụng linh kiện để lắp ráp sản phẩm và gắn nhãn ‘Made in Vietnam’ là không vi phạm pháp luật. Hiện Bộ Công Thương đang xúc tiến các công việc để xây dựng thông tư quy định ghi nhãn hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam", CEO của Asanzo khẳng định.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cho biết sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình đặt hàng, kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào và xuất xứ. Để tránh nhầm lẫn giữa C/O và xuất xứ, Asanzo sẽ ghi rõ "sản xuất tại Việt Nam, linh kiện nhập khẩu".
Trước đó, xuất phát từ điều tra của báo Tuổi trẻ, Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam bị đặt nghi vấn nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường. Vụ việc thu hút được sự quan tâm lớn từ dư luận.
Ngày 21/6, thương hiệu này bị tước danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Ngày 23/6, CEO Phạm Văn Tam thừa nhận với báo Tuổi trẻ rằng Asanzo không phải hàng Việt Nam.
Ngày 24/6, Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan điều tra, làm rõ vụ việc của Asanzo. Ngay sau đó, cũng trong ngày 24/6, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thông báo đã chính thức vào cuộc điều tra.
Chưa qua ngày 24/6, CEO Phạm Văn Tam nhận tiếp tin xấu khi ban tổ chức Shark Tank mùa 3 loại khỏi danh sách nhà đầu tư chiến lược.
Ngày 26/6, tại buổi giao ban báo chí, Bộ Công an cho biết đã điều tra mở rộng vụ việc của Asanzo.