PV vừa tiếp cận “xóm chả cá chui” ở chợ TP.Tuy Hòa (Phú Yên).
Cá thải chiên với dầu bẩn
Cá được chất la liệt dưới nền chợ, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Bà Nguyễn Thị T.T., một tiểu thương ở đây, bày tỏ: “Họ làm lâu rồi nhưng chẳng thấy ai kiểm tra gì cả. Họ trộn hàn the vào để làm cho thịt cá ươn được dai, giòn hơn. Tụi tui nhìn thấy nên không ai dám mua chả cá này để ăn, chỉ tội cho những người không biết thôi”.
Cá ươn, cá thối bỏ la liệt dưới nền chợ. Ảnh: Đức Huy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại cá mà những cơ sở ở đây dùng làm nguyên liệu chế biến thuộc cá thải loại, chỉ dùng cho việc chế biến thức ăn trong chăn nuôi. Tuy nhiên, qua bàn tay “phù phép” thì nhìn vào vẫn… thơm ngon.
Hôm chúng tôi có mặt, cá nguyên liệu được những người làm thuê dùng muỗng cạo lấy thịt rồi đụng đâu bỏ đó. Mùi cá tanh và hôi thối đã dẫn dụ đám ruồi đến bu đen đặc nhưng không có gì che đậy. Sau đó, thịt cá được trộn với bột, đưa vào máy xay nhuyễn, rồi làm thành từng bánh tròn hoặc những viên nhỏ, rồi cho vào chảo dầu chiên.
Đáng nói hơn, đó là một thứ dầu đen đặc như nhớt thải, được mua trôi nổi và đựng trong các can nhựa lem luốc.
“Chỉ dùng dầu này không à. Họ mua ở đâu không biết, nhưng tui thấy nó đen quá. Tui thấy chả chiên rồi cũng thơm nhưng không dám ăn. Không biết họ bán đi đâu nữa?”, một phụ nữ làm công ở đây kể.
Biến cá thối thành chả cá. Ảnh: Đức Huy.
“Họ lén làm đó”
Ông Nguyễn Chí Xanh, trưởng ban quản lý chợ TP.Tuy Hòa, thừa nhận những hộ sản xuất chả cá ở đây đều không có giấy phép kinh doanh nên không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Họ lén làm đó. Ban quản lý chợ cũng nhiều lần kiểm tra, nhưng khi kiểm tra thì họ nghỉ làm. Chúng tôi biết những hộ này sản xuất chả cá như vậy là không đảm bảo an toàn vệ sinh nên sẽ mời họ lên làm việc và yêu cầu họ nghỉ ngay”.
Ông Nguyễn Văn Tâm, chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Phú Yên, xác nhận với Thanh Niên các loại cá ươn, cá thối đều bị cấm sử dụng làm thực phẩm. Còn dầu dùng trong chế biến cũng chỉ được sử dụng chiên nấu 1 lần.
“Trường hợp dầu đã đen, hôi khét thì nghiêm cấm sử dụng bởi có khả năng gây ra ngộ độc bất kỳ lúc nào”, ông Tâm nói.
Thế nhưng cũng thật khó truy tìm trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương trước thực trạng mất an toàn vệ sinh nghiêm trọng xảy ra ngay giữa chợ như vậy.
Ông Nguyễn Văn Hòa, chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông thủy sản tỉnh, cho rằng cơ quan này chỉ quản lý các cơ sở chế biến thủy sản ở chợ đầu mối, còn chợ TP.Tuy Hòa không là chợ đầu mối nên đơn vị không quản lý mà thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh.
Trong khi đó, ông Phan Ngọc Trang, chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh thì bảo: lĩnh vực thủy sản là thuộc Chi cục Quản lý chất lượng nông thủy sản tỉnh!
Nguy cơ gây ung thư Chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm - bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN) cho biết, thông thường các vi sinh, vi khuẩn sẽ bị mất đi trong quá trình chiên nóng từ 130 - 180 độ C. Nhưng với các độc tố được sinh ra bởi thực phẩm biến chất hay dầu ăn tái sử dụng nhiều thì sẽ không bị mất đi. Đặc biệt với cá ươn, cá thối, thịt của chúng sẽ bị phân hủy và sinh ra các độc tố. Chưa nói, với cá ươn, người chế biến phải sử dụng hóa chất, phụ gia để “nâng cấp” - đây cũng là các yếu tố gây hại cho người sử dụng, bởi phụ gia, hóa chất độc hại thường không mất đi qua chế biến. Riêng hàn the ướp cho chả cá dai, giòn cũng là phụ gia độc hại không được sử dụng trong thực phẩm vì nguy cơ gây ung thư. “Còn với dầu ăn, bản thân nó là thực phẩm dễ bị ôxy hóa, phân hủy các chất trong dầu khi nấu ở nhiệt độ cao nhiều lần. Do vậy, khi chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ sinh ra các chất độc hại, trong đó có chất peroxide, có nguy cơ gây ung thư, vì chất này có thể gây đột biến tế bào cơ thể. Việc sử dụng dầu đã chiên qua nhiều lần còn tác hại lên men tiêu hóa ở đường ruột, dễ làm rối loạn tiêu hóa”, bác sĩ Ký nói. |
Theo Tiền phong