Cha con người rừng khát khao trở lại rừng sâu

Cha con người rừng khát khao trở lại rừng sâu

Thứ 4, 14/08/2013 08:51

Khi biết cha và anh trai mình còn sống trong rừng sâu, người con út còn sinh sống ở làng liền quyết định vào rừng đi tìm gặp. Nhiều lần thuyết phục cha và anh trai về làng sinh sống nhưng không được, người con út đành thuận theo ý của họ. Hàng năm, người con út đem lương thực, thực phẩm, vật dụng... cho cha và anh trai, nhưng hầu như họ không sử dụng.

Lạ lẫm với cuộc sống con người

Như báo đã thông tin, vào ngày 7/8, cơ quan chức năng của huyện Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) đã giải cứu thành công hai cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh (SN 1931) và Hồ Văn Lang (41 tuổi, dân tộc Cor, ngụ xã Trà Xinh, huyện Tây Trà) ra khỏi vùng rừng núi nằm ở thôn Trà Kem (xã Trà Xinh) sau 40 năm sống biệt lập hoàn toàn với thế giới con người. Trước vụ giải cứu có một không hai này, PV tìm gặp anh Hồ Văn Tri (con út ông Thanh), người thân ruột thịt duy nhất của ông Thanh còn sống với dân làng ở xã Trà Xinh để tìm hiểu thêm thông tin về hai "người rừng".

Xã hội - Cha con người rừng khát khao trở lại rừng sâu

 Ông Hồ Văn Thanh.

Khi PV tìm đến nhà, anh Tri đang tất bật sắp xếp chỗ ăn ở cho cha và anh trai. Không giấu được niềm hạnh phúc khi được đoàn tụ với người thân, anh Tri tâm sự: "Mấy hôm nay, do mới được về cuộc sống của con người nên anh Lang đều tỏ thái độ sợ hãi khi thấy người lạ tìm đến nhà, chỉ ngồi lặng lẽ ở một chỗ, khi cần gì thì mới nói cho người thân. Đối với anh Lang, tất cả mọi thứ của cuộc sống con người đều lạ lẫm cả. Đến ngay cả tô bún bò, tô mì tôm, ly nước ngọt... anh Lang đều bảo những thứ đó không ăn uống được. Tuy nhiên, chỉ có hai thứ anh trai tôi không từ chối là hút thuốc lá và ăn trầu".

Chỉ còn bập bẹ vài câu tiếng Cor

Khi được hỏi về "người rừng" là cha mình, anh Tri cho hay: "Bố tôi năm nay tuổi đã cao, lại thường xuyên ăn uống thiếu thốn, không đầy đủ chất dinh dưỡng nên bị suy nhược cơ thể nghiêm trọng. Sau khi được giải cứu đưa về làng, bố tôi được các bác sĩ giỏi tiến hành thăm khám nên sức khỏe đã hồi phục và bắt đầu bập bẹ vài tiếng dân tộc Cor với người thân. Tuy nhiên, do sống biệt lập trong rừng sâu 40 năm nên những tiếng dân tộc Cor của cha không tròn vành, rõ chữ. Những người thân trong gia đình phải chịu khó lắng nghe kỹ mới hiểu cha cần gì".

Anh Tri tâm sự: “Những ngày qua, tôi và người thân đang dạy cha và anh trai nhận biết lại cuộc sống của con người, dạy cách nói chuyện, dạy cách ăn cơm... Tuy nhiên, công việc tuy đơn giản này nhưng lại khá khổ sở với cha, anh trai đã sống 40 năm trong rừng sâu".

Theo anh Tri, những ngày qua, cha và anh liên tục ra dấu muốn sử dụng các vật dụng như rìu, búa, rựa, dao... để đi tìm thức ăn. Mặc dù hết lời giải thích với cha và anh trai là những vật dụng trên không cần sử dụng đến nữa nhưng họ vẫn không chịu, đòi cầm trong tay cho bằng được. Lý giải về hành động "kỳ lạ" của hai "người rừng", anh Tri bảo: "Suốt 40 năm qua, những vật dụng trên được cha và anh trai sử dụng hàng ngày. Nhờ nó mà họ có cái ăn, cái mặc để duy trì cuộc sống trong suốt 40 năm. Đối với người dân bình thường thì đó là những thứ bỏ đi, nhưng đối với họ đó là một gia tài thực sự".

Xã hội - Cha con người rừng khát khao trở lại rừng sâu (Hình 2).

 Anh Hồ Văn Lang.

Khát khao muốn trở lại làm "người rừng"

Trao đổi với PV, anh Tri thú thật trong suốt 40 năm qua, năm nào anh và vài người họ hàng trong gia tộc cũng vào thăm hai "người rừng" một lần. Chia sẻ về vấn đề này, anh Tri cho hay thời điểm ông Thanh ẵm anh Lang trốn vào rừng sâu để tránh bom đạn thì anh vẫn còn là đứa bé mới ba tháng tuổi nằm bên thi thể mẹ vừa bị bom quân thù giết chết. Sau khi dứt bom đạn, anh được dân làng cứu sống. Khi lớn lên, anh biết tin ông Thanh và anh Lang vẫn còn sống và cả hai sống ẩn dật trong rừng sâu, anh liền cùng vài người họ hàng, băng rừng tìm gặp lại người thân. Nhưng dù có thuyết phục bao nhiêu lần, ông Thanh và anh Lang vẫn ra hiệu muốn sống ở rừng, chứ không muốn về làng.

Lo “người rừng” lại trốn đi

Chia sẻ với PV, anh Tri tâm sự: "Cuộc sống của cha và anh trai gắn bó với rừng sâu 40 năm. Việc giúp họ hòa nhập với cuộc sống là điều vô cùng khó khăn. Đối với cha, ông ấy nay tuổi đã cao, không còn sức để quay trở lại rừng được nữa nên người thân, chính quyền địa phương không còn lo chuyện ông sẽ bỏ đi. Nhưng đối với anh Lang, anh ấy vẫn còn sức khỏe để bỏ trốn lại vào rừng sâu. Những hành động của anh Lang những ngày vừa qua, cho thấy anh ấy đang nhớ rừng, nhớ nơi mình sinh sống 40 năm qua. Câu hỏi về việc anh ấy có quay trở lại rừng sâu hay không chỉ chờ thời gian tới mới có thể trả lời được...".

Kể từ đó, anh Tri sắp xếp thời gian một năm một lần gùi lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu... cho ông Thanh và anh Lang sử dụng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, trong suốt một năm ròng, ông Thanh và anh Lang hầu như không đụng đến những thứ đồ mà anh Tri mang đến. Kiểm tra xung quanh nơi ông Thanh và anh Lang sinh sống, anh Tri phát hiện họ tự trồng cây, tự chế gia vị để làm thức ăn. Còn về cái mặc thì họ dùng vỏ cây rừng bện thành khố để mặc. Để nấu thức ăn, anh Lang tự tìm những mảnh đạn, vỏ bom về chế thành chiếc nồi, chiếc chảo để nấu ăn. Để có lửa nấu nướng, anh Lang tìm được cách bóc một lớp bột dám dính vào một loài cây rừng. Sau đó lấy ra từng chút đặt lên đá rồi dùng búa đập mạnh, khói từ từ sẽ ngún lên rồi thành lửa.

Một số người họ hàng của anh Tri còn tiết lộ, lần giải cứu ông Thanh và anh Lang vừa qua không phải là lần đầu tiên cơ quan chức năng thực hiện, cách đây khoảng hơn 20 năm trước, chính quyền địa phương thành lập đoàn công tác đi xuyên rừng vào để giải cứu. Mặc dù ra sức thuyết phục cha con ông Thanh là sống trong rừng có quá nhiều nguy hiểm rình rập, ăn uống thiếu thốn, thú dữ thường xuyên rình mò... Sau đó, cha con ông Thanh theo chính quyền địa phương về làng sinh sống. Tuy nhiên, chỉ sống được vài ngày là cha con ông Thanh lại lén người thân, chính quyền tìm lại ngôi nhà trong rừng để sinh sống. Thấy không thể thuyết phục cha con ông Thanh tái hòa nhập với cuộc sống loài người nên chính quyền không để ý đến nữa.

Khi nghe những lời chia sẻ trên của những người họ hàng, anh Tri cho hay nhiều năm trước đây, ông Thanh còn khỏe mạnh, anh Lang còn trẻ, khi thấy có người lạ đi lại gần khu vực họ sinh sống là tháo chạy vô trong rừng sâu để ẩn nấp vì sợ bị bắt về làng. Thậm chí, có lần ông Thanh và anh Lang lẩn trốn gần cả tuần liền, khi thấy không còn ai lởn vởn quanh chỗ ở của mình nữa mới quay lại để sinh sống như thường ngày. Tuy nhiên, trong lần giải cứu vừa rồi, ông Thanh vì đã già, sức khỏe suy kiệt nên không thể chạy trốn như lúc trước nữa. Khi thấy cha bị chính quyền địa phương đưa lên cáng để đưa về làng, anh Lang vì thương cha nên không bỏ trốn nữa mà đi theo để chăm sóc cha.

Được sự cho phép của anh Tri, PV cố gắng tiếp cận, trò chuyện với hai "người rừng". Mặc dù PV cố gắng tìm đủ mọi cách để trò chuyện nhưng cha con "người rừng" vẫn ngước đôi mắt vô hồn nhìn về phía rừng. Cố gắng nhìn kỹ vào đôi mắt của hai "người rừng", PV nhận thấy dù về với làng, sống với người thân nhưng qua đôi mắt của họ vẫn thấy rõ khát khao muốn quay trở lại với rừng sâu, nơi mình đã sống 40 năm qua.                          

HUỲNH VƯƠNG

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.