Tìm về vẻ đẹp của cổ vật
Dành cả đời để nghiên cứu văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng là tên tuổi bảo chứng cho những bộ sách, công trình nghiên cứu về lịch sử văn hóa nghệ thuật ở vùng đất phương Nam.
Cuối năm 2020 vừa qua, các cuốn sách “Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa”, “Gốm Sài Gòn” thuộc bộ sách “Tìm về mỹ thuật dân gian Nam Bộ” do ông chủ biên đã cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu, bằng chứng quý giá, sống động.
Ông Trảng chia sẻ: “Tôi chọn “Gốm Cây Mai” là tác phẩm mở đầu cho dòng sách về gốm dựa vào thời gian xuất hiện của các dòng gốm tại vùng đất Nam kỳ xưa. Gốm Cây Mai ra đời cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Điểm nổi bật của dòng gốm này là sành cứng có men màu với xương gốm chắc bền vững. Bảng màu tuy không phong phú (màu xanh lam, màu xanh ve chai; các màu bổ trợ là màu vàng, màu đen, màu nâu đỏ, nâu và trắng) nhưng tạo ra sắc thái riêng, nằm giữa sự mộc mạc và mỹ lệ, như một tạo tác hình khối mãnh liệt”.
Còn Gốm Sài Gòn là dòng gốm sứ ra đời đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, trong thực tế việc sử dụng tên gọi "gốm Sài Gòn" trong vài thập niên qua đã bị một số nhà nghiên cứu sử dụng tùy tiện.
Họ đồng nhất gốm Cây Mai với gốm Sài Gòn hoặc để gọi chung cho tất cả dòng sản phẩm gốm sứ được sản xuất ở Sài Gòn - Chợ Lớn ngày xưa. Số khác dùng tên "gốm Sài Gòn" để chỉ dòng sản phẩm gốm sứ bạch dứu (loại gốm sứ có sắc men trắng hoặc ngà – PV) ra đời vào nửa đầu thế kỷ XX.
Hổ phụ sinh hổ tử
Có người cha là cây đại thụ trong làng nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình được cha chỉ dẫn, dìu dắt rất nhiều ngay từ những ngày đầu chị quyết tâm bước theo con đường nghiên cứu. Tuy là “người một nhà”, cùng hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa nhưng mỗi người lại có những địa hạt nghiên cứu chuyên sâu riêng.
Nếu nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên sách viết về các dòng gốm thì cô con gái Huỳnh Thanh Bình lại là tác giả cuốn “Tranh tường Khmer Nam Bộ” trong bộ sách này. Cuốn sách đi sâu tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử, nội dung, nghệ thuật và đặc điểm, tính chất của tranh tường Khmer.
Tác phẩm còn đề cập đến nghề vẽ tranh tường do các thế hệ nghệ nhân Khmer thực hiện ở một số chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer tại các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu...
Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình, tranh tường Khmer là một đại tập thành của mỹ thuật Khmer nói chung, mỹ thuật Phật giáo Khmer nói riêng. Người Khmer tiếp thu tôn giáo - văn hóa thông qua nhiều con đường trong đó có nghệ thuật tranh tường.
“Cách đây hơn 10 năm, trong chuyến du lịch Sóc Trăng, khi đến thăm các chùa ở đây, tôi bị thu hút bởi vẻ đẹp của kiến trúc mỹ thuật chùa tháp Khmer. Một trong những điều làm tôi choáng ngợp là không biết những tác phẩm điêu khắc hội họa này là cái gì. Tôi bắt đầu tìm hiểu về tranh kiếng Khmer trong nỗ lực nghiên cứu các dòng tranh kiếng Nam Bộ nói chung.
Qua đó, tôi dần hiểu được nội dung các loại tranh kiếng và biết thêm nội dung một số bức tranh tường ở chùa tháp Khmer. Càng tìm hiểu, tôi càng bị chúng lôi cuốn… Tôi bắt đầu việc tìm hiểu tranh tường Khmer một cách hệ thống. Tôi đi hết Tri Tôn, Tịnh Biên, An Giang đến Bạc Liêu rồi Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang… để tìm hiểu”, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình kể.
Thế nhưng, điều khó khăn là các tích truyện và những tình tiết của nó được thể hiện trên tranh tường nên cô phải dành nhiều thời gian phỏng vấn các vị sư sãi, các ông bà lão ở địa phương.
Kế đó, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình dò hỏi các nghệ nhân và quan trọng là tìm kiếm tài liệu, kinh sách liên quan, đặc biệt là phải đọc kỹ bộ truyện tiền kiếp của đức Phật/Jataka và tham khảo các tích truyện trong kinh tạng Pali/Nikaya.
Nhắc đến cha mình, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình chia sẻ: “Về văn hóa Khmer Nam Bộ, cha tôi cũng đã dành nhiều năm nghiên cứu nhưng đối tượng chính của ông là văn học hay các loại hình sân khấu dân gian Khmer.
Nói chung, ông chuyên sâu về nghệ thuật biểu diễn của người Khmer. Chính vì vậy, ông khuyên tôi nên đi sâu vào lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, đó là cái ba tôi rất thích nhưng chưa làm được. Ông là người cung cấp những hiểu biết cơ bản về lĩnh vực này cho tôi”.
“Mục đích của việc nghiên cứu khoa học là khám phá cái mới, đính chính những cái sai và bổ sung điều thiếu sót của các thế hệ đi trước. Nói cách khác, bất cứ người nghiên cứu nào cũng phải hướng việc tìm tòi của mình vào những đề tài mới những lãnh vực chưa được nghiên cứu để tìm hiểu. Điều này mới có thể có được đóng góp mới, không trùng lắp. Sự nối tiếp của các thế hệ trong nghiên cứu là ở việc bổ sung thành tựu mới”, cô nói.