Cháu bé Tạ Văn L. bị bố đẻ là anh Tạ Văn Linh ở thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên dùng que tre đánh nhiều lần vào vùng mông gây ra vết thương vào ngày 6/10 khiến không ít người xót xa và khiến dư luận “dậy sóng”.
Người bố này phân trần rằng, bản thân rất thương con nhưng vì con hư, thường xuyên bỏ học, đi chơi điện tử, nhiều lần khuyên giải, con đều nhận lỗi và hứa sửa sai nhưng rồi đâu lại vào đó.
Dù thông cảm cho ông bố ấy nhưng nhiều độc giả cho rằng việc đánh con như thế là không thể chấp nhận được, đã vi phạm luật pháp về bảo vệ trẻ em. Trước những thông tin trái chiều về vấn đề này, PV đã trao đổi với thạc sĩ Lê Thị Loan, nguyên Phó trưởng khoa giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục để có cái nhìn khách quan về sự việc này.
Thạc sĩ Loan cho biết, giáo dục là quá trình hình thành những nét nhân cách phù hợp với chuẩn mực xã hội của người được giáo dục, vì vậy nó được diễn ra rất lâu dài và đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của nhà giáo dục.
Trong giáo dục gia đình, cha mẹ và những người lớn có trách nhiệm giáo dục trẻ em, giúp các em hình thành và điều chỉnh những thái độ và hành vi phù hợp với chuẩn mực xã hội.
Trong thực tế, không phải lúc nào trẻ em cũng suy nghĩ và hành động đúng như người lớn mong muốn, câu chuyện em bé đã lấy cắp đồ của người khác ở Thái Nguyên là một ví dụ.
“Hành vi của em bé trên là biểu hiện của sự tham lam, thiếu trung thực, ngay thẳng cần phải được uốn nắn, giáo dục. Tôi ủng hộ thái độ không khoan nhượng của người bố trong việc không chấp nhận sự tái diễn hành vi này ở người con của mình. Nhưng tôi không ủng hộ cách mà ông đã hành xử mạnh tay đến mức đánh đập con mình thương tích nặng đến nỗi phải đi bệnh viện”, thạc sĩ Loan cho biết.
Để giáo dục con người nói chung, trẻ em nói riêng chúng ta cần sử dụng 3 nhóm phương pháp: thuyết phục, tổ chức hoạt động thực tiễn, kích thích và điều chỉnh hành vi; trách phạt là một trong những phương pháp giáo dục nhằm điều chỉnh hành vi, làm cho người mắc lỗi cảm thấy xấu hổ, ân hận và có nhu cầu sửa lỗi. Tuyệt đối không dùng các biện pháp xúc phạm đến nhân phẩm và thân thể người mắc lỗi như là chửi bới, nhiếc mắng hay đánh đập họ.
Theo thạc sĩ Loan, người bố trên đã hiểu nhầm về phương pháp trách phạt, đã lạm dụng quyền làm bố của mình mà đánh đập con mình thành thương như vậy, chắc chắn sẽ bị xử lý trước pháp luật vì đã vi phạm Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Rất có thể sẽ tạo ra một chấn thương tâm lý ở em bé, em sẽ nghĩ rằng bố mình không thương mình nữa nên mới đánh đập mình dã man như vậy. Lúc đó trách phạt lại trở nên mất tác dụng, em bé đó sẽ chai lỳ dần trước những trận đòn của bố và càng trở nên chống đối, khó bảo hơn.
Trước những lỗi lầm của con cái, cha mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu sự việc và tìm ra nguyên nhân, kiên trì, bền bỉ phối hợp cả 3 nhóm phương pháp giáo dục trên cơ sở của lòng thương yêu, tôn trọng và nghiêm khắc với con.
Khi cần chúng ta có thể tìm đến sự trợ giúp của các thầy cô giáo, của cộng đồng dân cư để cùng phối hợp tác động giáo dục, uốn nắn những hành vi lệch chuẩn của con em mình.
Ngọc An