Sau khoảng thời gian nằm bệnh viện vì trọng bệnh, nhạc sĩ Hoàng Hiệp không qua khỏi cơn nguy kịch. Ông được gia đình đưa về nhà riêng ở quận 2, TP HCM và trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 81 vào lúc 12h45 phút hôm nay 9/1.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Ảnh: Thanh Hiệp
Lễ viếng nhạc sĩ Hoàng Hiệp sẽ bắt đầu từ 19h ngày 9/1 tại Nhà tang lễ TP HCM (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3). Ngày 12/1, linh cữu ông được gia đinh an táng tại Nghĩa trang Thành phố. Trước khi qua đời, vào ngày 8-1, ông được nhận Huy hiệu 65 tuổi Đảng do Bí thư Quận ủy Q.2 trao tặng ngay tại bệnh viện.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp - tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn - sinh ngày 1/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Ông tham gia cách mạng vào năm 1945, tham gia vào đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà.
Năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Viếng lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.
Qua gia tài 400 tác phẩm, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã dành trọn cuộc đời cho việc vinh danh hai dòng nhạc: cách mạng và trữ tình quê hương. Điều tuyệt vời là với cả hai, ông đều đạt được những thành tựu đáng kể. Dòng nhạc đỏ ghi dấu thành công của Hoàng Hiệp qua các tác phẩm: Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, Ngọn đèn đứng gác, Cô gái vót chông, Lá đỏ, Đồng đội, Khúc thư tình cho người lính biển… Ông trở thành một trong những tác giả tiêu biểu cho dòng nhạc trữ tình kháng chiến. Nhạc của ông đã thở cùng hơi thở của dân tộc trong suốt những năm dài chinh chiến. Nhánh quê hương, lãng mạn có sự góp mặt của Trở về dòng sông tuổi thơ, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Đánh mất, Mùa chim én bay… - những tác phẩm sẽ gây khó khăn cho bất kỳ ai cố tìm đâu là tác phẩm hay nhất. Sự nghiệp hơn 60 năm sáng tác (từ năm 18 tuổi đến nay) của Hoàng Hiệp có thể tạm chia thành hai giai đoạn rực rỡ: từ 1955-1975 với hầu hết sáng tác nhằm phục vụ chiến đấu, từ 1975-1995 là những tác phẩm ca ngợi tình yêu đôi lứa, tự tình dân tộc. Cũng cần hiểu rằng vào những năm cuối thập niên 1970, những sáng tác thuộc trường phái lãng mạn rất hiếm và Hoàng Hiệp được xem như một trong những người tiên phong cho sự chuyển hướng này. Cuộc chiến đã qua dường như không thể vùi lấp những khát vọng, cảm xúc non tươi và rất đỗi đời thường trong tâm hồn người lính. Hoàng Hiệp một lần nữa tự tái sinh để sống một cuộc đời cống hiến nữa trong thời bình. Ông nhớ lại: "Ở tuổi tôi lúc ấy, tôi viết bằng hoài niệm, bằng tình yêu của mình với tuổi trẻ nên đã cố viết những điều tuổi trẻ thích. Chắc vì vậy mà tuổi trẻ cũng thích các tác phẩm của tôi". Nhiều người nghe nhạc Hoàng Hiệp thường khen các ca khúc mang đầy chất thơ. Sự thật thì chúng chính là thơ bởi phần lớn tác phẩm của ông đều là thơ phổ nhạc. Lá đỏ - phổ thơ Nguyễn Đình Thi, Ông đồ, phổ thơ Vũ Đình Liên, Viếng lăng Bác là thơ Viễn Phương, Ngọn đèn đứng gác - thơ Chính Hữu, Đánh mất - thơ Thanh Nguyên, Như lá - thơ Lâm Thị Mỹ Dạ… Tất cả đưa ông đến với địa vị của "ông hoàng phổ nhạc cho thơ". Có lẽ sự thành công quá lớn của mảng ca khúc đã khiến nhiều người quên mất ông còn tham gia viết nhạc cho kịch nói - những vở Người ven đô, Màu giấy mới, Xa thành phố yêu dấu… và cả viết nhạc cho những tuồng cải lương như Thái hậu Dương Vân Nga, Tiền và nghĩa. Nếu có dịp xem lại phim Cánh đồng mơ ước, Mùa gió chướng, Biệt động Sài Gòn, Bản nhạc người tù, Nơi gặp gỡ của tình yêu... ta cũng sẽ gặp tên Hoàng Hiệp trong vai trò người viết nhạc cho phim. Bên cạnh việc soạn sách giáo khoa âm nhạc, HSSV trường nhạc còn có thể tìm đọc cuốn Nhạc lý cơ bản của Spasspbine do ông dịch. Đồ sộ. Hai từ chính xác cho sự nghiệp âm nhạc Hoàng Hiệp. Dẫu chỉ viết để lặng lẽ dâng tặng công chúng thay vì phải bon chen tìm cách phổ biến, tiếp thị, sức sống trong tác phẩm Hoàng Hiệp vẫn bừng cháy, để mỗi khi ngồi một mình chúng ta có thể ngâm ngợi: "Bên kia bờ Hiền Lương, ai mang nặng tình thương". (Trích Hai cuộc đời của Hoàng Hiệp - TT) |
Chi Mai