Nhiều vi phạm TTATGT liên quan học sinh
Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh đang là vấn đề "nóng", gây nhiều hậu quả đáng tiếc đối với cá nhân các em, gia đình và xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT thương tâm, trong đó có việc người lớn giao xe cho người chưa đủ tuổi thành niên điều khiển.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, 9 tháng năm 2024 tình hình trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, TNGT tăng về số người bị thương. Các hành vi liên quan đến vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, vi phạm không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện bị xử phạt đều tăng về số trường hợp vi phạm so với 9 tháng năm 2023 và đây cũng là những nguyên nhân chính xảy ra TNGT. Trong đó, vi phạm từ các em học sinh, sinh viên chiếm tỉ lệ không nhỏ.
Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 694 vụ TNGT, làm chết 291 người, bị thương 597 người; so cùng kỳ 2023 tăng 11 vụ, giảm 30 người chết, tăng 31 người bị thương. Trong đó, TNGT liên quan đến học sinh xảy ra 113 vụ, làm 48 người chết, 144 người bị thương (trong đó 21 học sinh chết, 103 học sinh bị thương).
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý 88.425 trường hợp; tạm giữ 23.316 phương tiện, tước giấy phép lái xe, đăng ký 12.736 trường hợp, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 200 tỷ đồng, trong đó xử phạt học sinh vi phạm 5.248 trường hợp, với số tiền 3,8 tỷ đồng.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến số vụ TNGT tăng có một phần do học sinh chưa đến tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, song phụ huynh vẫn giao xe cho con.
Cơ quan chức năng chỉ ra nhiều nguyên nhân phụ huynh giao xe cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi như: do nuông chiều con cái, hoặc quá bận công việc không thể đưa, đón con đi học, hay thậm chí không hiểu biết các quy định của pháp luật... nên cha mẹ vẫn "vô tư" giao xe cho con.
Tăng cường tuyên truyền, xử lý học sinh vi phạm ATTTGT
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, hằng năm các ban, sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT theo chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia và của UBND tỉnh.
Trên cơ sở đó, lực lượng công an, ngành giao thông - vận tải và các địa phương đã tổ chức ra quân thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATGT ngay từ đầu năm với mục tiêu kiềm chế, giảm thiểu TNGT. Trong đó, công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT cũng được triển khai sâu rộng; đặc biệt là việc tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn trong các trường học; tuyên truyền "đã uống rượu, bia - không lái xe"...
Song song, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị trường học triển khai Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới; vận động đến từng gia đình không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển theo quy định của pháp luật. Đảm bảo học sinh đi xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy đến trường phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và đăng ký với nhà trường về chủng loại phương tiện đúng quy định để nhà trường phối hợp với công an địa phương kiểm tra, quản lý...
Trao đổi với Người Đưa Tin, Trung tá Nguyễn Văn Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát Giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự như mô tô tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng; đối với ô tô thì phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì cha, mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển, gây thiệt hại cho người khác: gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thiệt hại về tài sản, hoặc làm chết người... có thể bị phạt tiền hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự với mức phạt tù cao nhất đến 7 năm tù.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, đơn vị đã triển khai chuyên đề tăng cường tuyên truyền, kiểm tra xử lý vi phạm TTATGT đối với các đối tượng học sinh sinh viên trên địa bàn. Qua đó, đã phát hiện, nhắc nhở xử phạt theo quy định nhiều trường hợp học sinh sinh viên vi phạm TTATGT với các lỗi chủ yếu như: không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, đi hàng 2,3... và nghiêm trọng là nhiều trường hợp em học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện nhưng vẫn được giao điều khiển phương tiện. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng qua công tác tăng cường tuyên truyền tới các em học sinh và các bậc phụ huynh nên tình trạng vi phạm có chuyển biển tích cực.
"Để tránh những vụ TNGT đáng tiếc xảy ra đối với thanh thiếu niên và học sinh, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là cần quản lý, nhắc nhở, không giao xe cho con điều khiển tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện", Trung tá Nguyễn Văn Cường cho biết.