Hồi bé, mẹ mang về cho tôi một con chim non. Mẹ bảo, mẹ bắt được nó trên cây vải trước cửa nhà ông bà ngoại. Tôi thích lắm. Con chim còn đỏ hỏn đang mọc lông cánh cứ chíp chíp không ngừng. Tôi đoán, nó đói và nhớ mẹ.
Hàng ngày, tôi ra vườn bắt sâu, châu chấu, bươm bướm, giun về cho chim ăn. Ông ngoại làm cho tôi một chiếc lồng để tôi thả con chim vào đó. Tôi gọi nó là Chích Bông.
Từ ngày có Chích Bông, tôi ít đi chơi hẳn. Cả ngày chỉ quanh quẩn chơi với nó. Huýt sáo cho nó nghe và nói chuyện với nó.
Nhờ sự chăm bẵm của tôi, Chích Bông lớn nhanh như thổi. Nó thường nhảy loạn xạ lên mỗi khi thấy tôi đi học về.
Cho đến một lần ra vườn chơi, tôi nhìn thấy một đàn chim non đang ríu rít bay theo một con chim mẹ. Bà tôi bảo: "Chim mẹ đang dạy chim con chuyền cành". Tôi về nhà, phân vân rất lâu và quyết định mở cửa lồng cho Chích Bông bay ra ngoài. Chích Bông không ra ngay mà nhảy nhót xung quanh cửa lồng. Có vẻ, nó đang lưỡng lự. Thế rồi cuối cùng nó cũng e dè bước ra nhưng không bay đi mà cứ quanh quẩn bên cạnh tôi. Lúc đó, tôi đã nghĩ rằng chắc vì nó chơi thân với tôi, yêu quý tôi nên mới không nỡ rời xa tôi như vậy!
Kể từ đó, tôi không thường xuyên cho Chích Bông vào lồng nữa mà để nó tự do nhảy nhót xung quanh nhà. Nhưng, một chuyện không may đã xảy ra. Một buổi chiều khi đi học về, tôi thấy Chích Bông nằm thoi thóp giữa nhà, một bên cánh bị cụt mất, máu chảy ra thấm vào nền xi măng và khô lại như màu bã trầu... Tôi ôm Chích Bông khóc không thành tiếng. Rút chiếc khăn quàng trên cổ, tôi băng vết thương lại cho nó và ôm nó suốt cả tối. Nhưng, rốt cuộc, Chích Bông đã không qua khỏi.
Mỗi lần nhớ về Chích Bông tôi đều khóc nhưng chỉ là khóc vì thương xót thôi. Sau này lớn lên, nghĩ về Chích Bông, tôi khóc. Nhưng không đơn giản chỉ là khóc vì thương xót nữa mà tôi khóc vì hối hận. Chích Bông bị chuột cắn. Tôi phát hiện ra thủ phạm chính là do tìm thấy lông cánh Chích Bông trong tổ chuột ở bụi cây găng trước cửa. Một con chim lại dễ dàng để kẻ thù hạ gục chính bởi vì nó không thể bay. Nó không biết bay, chính bởi vì tôi đã tước đi đôi cánh của nó! Suốt cả giai đoạn trưởng thành của mình, nó bị tôi nhốt trong lồng. Nó không thể tự kiếm ăn, không được học cách bay và bản năng tự vệ của loài chim. Đó cũng là lý do tại sao nó lại chỉ quẩn quanh bên cạnh tôi mà không bay ra ngoài. Chính là tôi đã giết nó!
Những ngày sau này, mẹ tôi có vài lần mang về cho tôi những chú chim khác để thay thế nhưng tôi đều thả đi! Thế giới của tôi không phù hợp với chúng. Chúng sẽ chỉ hạnh phúc khi được bay lượn trên bầu trời bằng đôi cánh của mình. Chúng sẽ chỉ tồn tại khi có thể tự mình kiếm ăn, tự bảo vệ bản thân khỏi những mối nguy hiểm. Tất cả những điều đó, tôi không thể dạy cho chúng. Chỉ có thể để chúng tự học mà thôi!
Hôm nay, tôi lại nhớ về Chích Bông và tôi lại khóc. Tôi thương nó như thương các con mình. Hơn ai hết, tôi thấu hiểu nỗi lòng của những đứa con bị cha mẹ tước mất quyền được trưởng thành bởi sự bao bọc và can thiệp quá sâu vào những quyết định của cuộc đời chúng. Chúng ta sinh ra những đứa trẻ, nuôi nấng, dạy dỗ chúng nhưng tuyệt nhiên không thể sở hữu chúng cho riêng mình.
Trẻ cũng có đôi cánh trên vai và chúng cần được bay lượn. Chúng cần được học cách kiếm ăn trước khi chúng trưởng thành. Chúng cần biết cách tự vệ trước những mối nguy hiểm luôn rình rập ngoài xã hội... Nếu không, chúng sẽ chỉ là những đứa trẻ to xác vô cùng yếu ớt, vô cùng sợ hãi khi không có cha mẹ ở bên. Như câu chuyện về Chích Bông mà tôi đã kể.
Tôi đã đọc ở đâu đó một câu nói thế này "Nếu bạn thích một bông hoa, bạn hái nó về cắm vào lọ. Vài ngày sau hoa tàn. Nếu bạn thực sự yêu bông hoa đó, bạn sẽ không hái nó mà để nó nguyên trên cây. Hàng ngày tưới nước cho nó. Thời gian trôi qua, cái cây lớn lên, cành lá xum xuê, hoa nở trĩu trịt, hương thơm ngào ngạt".
Có những bậc cha mẹ cứ ngỡ rằng, sự bao bọc của mình chính là điều tốt nhất đối với con cái giống như việc bông hoa kia bị ngắt khỏi cây để cắm vào lọ. Họ không biết rằng sự bao bọc và can thiệp thái quá vào những quyết định trong cuộc đời những đứa con chẳng khác nào chiếc lồng nhốt tâm hồn của chúng, tước đoạt đi cơ hội được trải nghiệm, va vấp và trưởng thành của chúng. Biến chúng thành những con người yếu ớt, khó có khả năng thích nghi với cuộc sống.
Nghịch lý xã hội luôn tồn tại những ông bố bà mẹ bỏ bê dạy dỗ con khi chúng còn nhỏ và quản lý chúng khi chúng đã lớn. Làm ơn, hãy làm ngược lại, quan tâm dạy dỗ con ngay từ giai đoạn sơ sinh và buông tay đúng lúc. Ấy chính là ta đã chăm bẵm một cái cây từ gốc rễ rồi để nó tự trưởng thành ra hoa, kết quả.
Hãy thay đổi tư duy, thay đổi cách làm vì một tương lai không còn "những đứa trẻ to xác"!
Nhà văn Lê Thanh Ngân