Được biết, bé trai Nguyễn Văn M. (3 tuổi, ở Hòa Bình) cùng anh trai đi chơi, nhặt được gói bột hóa chất màu trắng, nghĩ là đường nên đã ăn. Sự nhầm lẫn này khiến bé bị bỏng toàn bộ vùng miệng, thực quản, dạ dày.
Ngay sau sự cố, bé liên tục quấy khóc và đã được gia đình đưa vào bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh Hòa Bình cấp cứu. Sau đó, bé M. tiếp tục được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Tuy nhiên sau khi đã thăm khám sơ qua, các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai chuyển bé M. đến khoa Cấp cứu chống độc, bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bé M. rơi vào tình trạng sưng nề môi, loét miệng, xuất tiết nhiều đờm dãi. Chất bột màu trắng rơi ra tay làm loét vùng trước khuỷu tay trái khiến bệnh nhi liên tục quấy khóc.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận bé M. bị bỏng thực quản dạ dày do ăn nhầm hóa chất (nghi là chất xút Natri hiđroxit NaOH), nhanh chóng tiến hành nội soi thực quản dạ dày cấp cứu bệnh nhi.
Đều đặn hằng ngày, bé M. được các cán bộ điều dưỡng chuyên khoa tiêm kháng sinh, truyền dịch, vệ sinh miệng, da. Sau 6 ngày nhập viện, các vết thương vùng miệng bé đã bắt đầu khô, vùng loét da trước khuỷu tay trái của bé bắt đầu bong vảy, bé ngủ tốt, không còn quấy khóc.
Trường hợp của bé M. không phải là hi hữu. Hằng năm, bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khá nhiều ca do tai nạn ăn uống nhầm hóa chất (nhất là javel, axit hoặc kiềm).
Các bác sĩ khuyến cáo, đối với bệnh nhân bỏng thực quản dạ dày, sau giai đoạn bỏng, niêm mạc nơi thực quản bị tổn thương sẽ hình thành sẹo co rút, làm lòng thực quản teo nhỏ dần khiến trẻ không thể ăn uống được dẫn đến tình trạng suy kiệt, phải ăn qua ống hoặc mở dạ dày qua da và có thể dẫn đến tử vong.
Với các vết bỏng ở ngoài da, sau giai đoạn lành vết thương sẽ đến giai đoạn sẹo co rút da. Nếu bị bỏng ở vùng cổ – cằm, sẹo sẽ kéo cằm và môi xuống, làm bệnh nhân ngậm miệng lại không được, ăn uống khó khăn.
Theo đó, bác sĩ khoa Cấp cứu chống độc (bệnh viện Nhi Trung ương) đưa ra lời khuyên với các gia đình khi phát hiện trẻ uống nhầm chất gây bỏng, người lớn cần bình tĩnh xem đó là loại hóa chất gì. Sau đó làm theo các bước sau:
Bước 1: Cần rửa vùng xung quanh miệng của trẻ bằng nước sạch.
Bước 2: Hướng dẫn trẻ uống từng ngụm nước lọc nhỏ để có thể làm loãng lượng hóa chất đã đưa vào cơ thể.
Bước 3: Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ kịp thời can thiệp.
Các bậc cha mẹ tuyệt đối không cố gắng tống hóa chất ra bằng cách ép bệnh nhân nôn để tránh gây bỏng thực quản và miệng.
N.Giang