Cha mẹ ly hôn, con trai lấy việc ăn chơi làm lẽ sống

Cha mẹ ly hôn, con trai lấy việc ăn chơi làm lẽ sống

Tô Thị Sen

Tô Thị Sen

Thứ 2, 22/01/2018 09:03

Bố làm cán bộ, mẹ làm công nhân, tuổi thơ của Phúc hạnh phúc và êm đềm. Thế nhưng, mái ấm bé nhỏ ấy dần rạn nứt rồi vỡ tan khi cha mẹ Phúc chia tay nhau. Phúc lủi thủi về sống cùng ông bà ngoại. Sau khi ly hôn, cha mẹ Phúc lần lượt đi tìm hạnh phúc mới. Bị bỏ rơi, Phúc trượt dài trong lầm lỗi...

Tuổi thơ bất hạnh

Tôi gặp Trần Văn Phúc, 16 tuổi, học sinh trường Giáo dưỡng số 4, thuộc tổng cục VIII, bộ Công an vào một buổi chiều cuối năm 2017. Phúc đang ngồi hóng mát ngoài khuôn viên sau giờ học.

Nhìn đôi mắt đầy ắp nỗi buồn của cậu bé 16 tuổi, tôi tìm cách bắt chuyện với cậu. Như cảm nhận được sự chân thành của tôi, Phúc thẽ thọt: “Em vào trường được 2 tháng rồi. Em vào đây vì có hành vi lừa đảo”.

Giọng buồn buồn, Phúc kể, em sinh ra trong gia đình bố làm cán bộ ở một công ty nước ngoài, mẹ làm công nhân. Những năm đầu, cuộc sống của gia đình Phúc vô cùng hạnh phúc, kinh tế gia đình cũng thuộc diện khá giả. Thế nhưng, năm Phúc lên 6 tuổi, cuộc sống ấm êm ấy bỗng chốc đổi thay. Một ngày, mẹ đưa Phúc về nhà bà ngoại. Khuôn mặt bà đầm đìa nước mắt. Lúc đó, dù chưa đủ nhận thức để hiểu chuyện của người lớn nhưng cậu bé 6 tuổi mang máng hiểu rằng bố mẹ đang cãi nhau và mẹ rất buồn.

Hồ sơ điều tra - Cha mẹ ly hôn, con trai lấy việc ăn chơi làm lẽ sống

Phúc luôn mong một lần được cha mẹ đến thăm.

Sau một thời gian sống với ngoại, cậu bé 6 tuổi bắt đầu nhận biết em sắp xa luôn cả mẹ. Một ngày, Phúc thấy 1 người đàn ông lạ đến nhà và thường xuyên đưa mẹ đi chơi.

Không giấu nổi vẻ buồn bã, Phúc nói: “Bình thường, mẹ em đi làm về là chơi với em, nhưng từ dạo có chú Long, mẹ cứ đi với chú ấy suốt. Bà ngoại cũng không có thời gian chơi với em nữa. Lúc đầu em khóc hoài, nhưng lâu dần em cũng quen. Tận đáy lòng, đến giờ em vẫn rất ghét chú Long, vì chú ấy mà mẹ không chơi với em”.

Vì còn quá nhỏ nên những ngày ở nhà ngoại, Phúc vẫn vô cùng hồn nhiên. Ở nhà ngoại một thời gian, Phúc bỗng thấy nhớ bố. Phúc kể: “Lúc đầu thấy mẹ đưa em về ngoại, em chỉ nghĩ rằng mẹ đưa em về ngoại chơi mấy hôm. Không ngờ, em ở với ngoại luôn từ đó”.

Thiếu sự quan tâm, tình cảm mẹ con từ đó cũng nhạt dần. Phúc tâm sự: “Thực sự, em thương mẹ lắm, chỉ muốn mẹ là của riêng mình thôi. Em không muốn chia sẻ mẹ với ai hết. Nhưng chắc mẹ không nghĩ như em, mẹ thương chú Long và không quan tâm đến em nhiều nữa”. Rồi một ngày mẹ Phúc quyết định “theo chú Long” đến một miền đất nào đó, xa lắm. Phúc không biết mẹ ở tỉnh nào. Ngày mẹ Phúc lấy chồng, đám cưới cũng linh đình lắm, những mấy chục mâm. Mẹ mặc áo cô dâu rất đẹp, còn Phúc ở góc nhà mà nước mắt lưng tròng...

Lỗi lầm triền miên

Mẹ theo chú Long đi rồi Phúc ở với ông bà ngoại. Lâu lâu đi làm về, bố Phúc ghé qua mua cho em mấy lon nước ngọt, một thùng mì tôm và ít đồ ăn sẵn rồi gọi Phúc ra đầu ngõ để bê vào nhà. Ông chỉ hỏi con qua loa vài câu về chuyện học hành rồi lại lao xe đi... Từ đó, mỗi ngày đi học về, Phúc lang thang khắp nơi. Khoảng 5h chiều, em mới về nhà, ra đứng trước ngõ để chờ bố tạt qua. Em đợi không phải để bê bịch nước ngọt hay thùng mì tôm mà là đợi để được bố xoa đầu, hỏi han vài câu...

Nhưng những cuộc gặp chớp nhoáng ấy cứ thưa dần rồi mất hẳn. Sau này, Phúc nghe tin bố cũng đã lấy vợ rồi sinh thêm 2 đứa em nữa. Phúc bùi ngùi nhớ lại: “Em lúc đó cứ ước bố mẹ ghé qua thăm nhưng rồi những chuyến thăm em của họ ngày càng thưa dần. Sau này, lâu lâu mẹ mới ghé, dúi vào tay em mấy trăm ngàn rồi lại tất tả đi. Bố thì không thăm em thêm lần nào nữa. Nghe nói bố đã có vợ mới rồi”.

Buồn chán, Phúc bỏ học và đi chơi lông bông với đám bạn bè hư hỏng. Cậu bé ngậm ngùi tâm sự: “Lúc đầu em trốn học nhưng ông bà ngoại cứ tưởng em vẫn đi học nên không để ý. Sau này khi nhà trường thông báo em bỏ học, ông bà ngoại mới biết và khóc nhiều lắm. Ông bà thương em, muốn em học hành nên người. Lúc đó em chán quá vì chỉ muốn có bố mẹ ở bên. Nhưng không ai thương em cả, ai cũng chỉ lo cho cuộc sống của riêng mình. Đêm nào em cũng khóc vì tủi thân khi các bạn có bố mẹ đưa đón, chủ nhật được đưa đi chơi, còn em chả có ai cả. Khi ấy, em luôn nghĩ một ngày nào đó, bố mẹ em sẽ quay về với nhau. Nhưng điều đó mãi mãi chỉ là ước mơ...”.

Ước mơ bình dị ấy là nỗi ám ảnh suốt tuổi thơ của Phúc. Phúc nói, em không bao giờ từ bỏ ước mơ của mình, dù biết rằng nó hoàn toàn vô vọng. Từ chỗ lang thang cà phê với đám bạn hư ở xung quanh nơi mình ở, dần dà Phúc biết ăn nhậu. Tiền ông bà cho bao nhiêu, Phúc chơi bời hết. Khi không có tiền, Phúc về nhà lừa xin tiền của bà nói là để mua quần áo, đồ dùng học tập nhưng thực chất là  đi chơi. Những khi không xin được tiền, Phúc nghĩ cách đi kiếm việc làm. Vì ít tuổi lại không quen làm việc chân tay nên làm ở đâu được vài hôm là Phúc lại bị đuổi.

Khi kể đến đây, Phúc đan hai tay vào nhau, nói: “Em nghĩ mình đi làm để kiếm tiền đi chơi nhưng em còn nhỏ quá. Có chỗ người ta thuê nhưng cũng chỉ được vài hôm là em bị đuổi vì không làm được việc. Em cũng buồn lắm, nhưng chẳng biết làm sao”. Vì “chẳng biết làm sao” nên Phúc đi chơi thâu đêm suốt sáng. Những lần “đi bụi” đó, nhóm bạn hư đã chỉ cho Phúc cách “đập đá”. Và Phúc đã lao vào trò chơi chết người đó như thiêu thân.

Thời gian đầu, bạn bè cho Phúc “đập đá” miễn phí. Sau khi bạn bè hết tiền, Phúc về nhà lừa lấy tiền của ông bà ngoại. Khi ông bà ngoại hết tiền, Phúc lừa anh em họ hàng mượn xe máy đem đi bán. Dù được ông bà khuyên can, các chú công an ở địa phương nhắc nhở nhưng Phúc vẫn lừa hết người này đến người khác. Phúc thành thật chia sẻ: “Do em chưa đến tuổi thành niên nên mỗi lần lừa ai lấy xe đi bán bị phát hiện, em đều được bảo lãnh ra. Vậy nên em không sợ, tiếp tục đi lừa người khác”.

Sau vài lần như vậy, Phúc bị đưa vào trường giáo dưỡng, Phúc nói: “Em vào đây được các thầy cô dạy cho nhiều điều hay lẽ phải, khiến em nhận ra mình quá hư hỏng. Bây giờ em biết mình đã có lỗi với ông bà rất nhiều”. Phúc nói vào trường, được giáo dục tốt nên em hiểu và thương ông bà ngoại nhiều hơn. Có thời gian rảnh, Phúc lại gọi điện thoại hỏi thăm ông bà, động viên ông bà đừng buồn để có sức khỏe sống với Phúc.

Nhìn mắt Phúc lấp lánh hạnh phúc khi kể về ông bà ngoại, tôi hiểu thực sự tận trong sâu thẳm trái tim, cậu bé này luôn dành cho họ những tình cảm tốt đẹp nhất. Phúc nói: “Em tâm nguyện rằng lúc về, em sẽ ngoan, không chơi bời nữa. Vào đây em cũng không thèm “đập đá” nữa. Được ăn nghỉ đúng giờ, học văn hóa và tập thể dục thể thao nên em khỏe ra. Em thấy mình được vào trường là may mắn. Ngày mới vào, em sợ nhưng giờ em rất yêu nơi này. Em ở đây có bạn, có các thầy cô nên vui lắm”. 

Bố mẹ chưa một lần đến thăm

Theo lời Phúc, từ hôm em vào trường, ông bà ngoại lặn lội đến thăm em. Duy chỉ có bố mẹ Phúc là không đến. Cậu buồn bã nói: “Em chỉ mong được bố mẹ xuống thăm em một lần, nhưng có lẽ bố mẹ em đã không còn nhớ em nữa. Ngày em còn ngoan, họ cũng có nhớ em đâu. Nhưng em không giận họ, em quyết tâm học hành ngoan ngoãn, sau này về ở với ông bà ngoại thôi”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.