Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định, việc đăng ký kết hôn là do hai bên nam nữ tự nguyện đăng ký, quyết định. Chỉ cần việc kết hôn không vi phạm những quy định nêu trên thì hai người nam nữ có thể tự mình quyết định đăng ký kết hôn.
Việc kết hôn bắt buộc phải được đăng ký và do cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Nếu không, quan hệ hôn nhân đó sẽ không được công nhận và không có giá trị pháp lý.
Còn việc cha mẹ cấm đoán sẽ không ảnh hưởng đến quyền được đăng ký kết hôn của con cái. Tuy nhiên, dù không ảnh hưởng nhưng trong mối quan hệ gia đình, việc có sự đồng ý của cha mẹ cũng rất quan trọng. Đặc biệt là trong xã hội Việt Nam luôn đề cao chữ hiếu.
Nếu bị ngăn cản kết hôn thì con cái có thể tự mình quyết định việc đăng ký.
Theo đó, hai người nam nữ cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP:
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu.
- Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh.
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã nơi cư trú cấp.
Trường hợp đã từng kết hôn thì phải nộp thêm Quyết định ly hôn của Tòa án.
Lưu ý, khi đăng ký kết hôn, hai người phải cùng có mặt tại nơi cấp giấy mà không được ủy quyền cho người khác.
Trường hợp cha mẹ dùng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác để cố tình ngăn cản không cho con cái kết hôn thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Khi đó, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất của hành vi ngăn cấm.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào ngăn cấm người khác kết hôn tự nguyện, tiến bộ bằng các hành vi nêu trên thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Nếu hành vi nêu trên đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm theo quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Như vậy, về nguyên tắc, việc đăng ký kết hôn không cần sự đồng ý của cha mẹ. Tuy nhiên, theo tập quán và văn hóa Việt Nam, việc kết hôn nếu có được sự đồng ý của cha mẹ và gia đình hai bên thì sẽ hạnh phúc, trọn vẹn và nhận được nhiều sự ủng hộ hơn trong cuộc sống hôn nhân sau này.
Nên thay vì ép buộc con trẻ phải làm theo ý của mình thì hãy nói lên suy nghĩ của mình để con cái có thể thấy được cách nhìn nhận, tư duy của thế hệ trước về vấn đề hôn nhân.
Qua đó, con cái sẽ có thêm những kiến thức, cơ sở hay có thêm một hệ quy chiếu để áp dụng vào chính vấn đề hôn nhân của mình. Rồi từ đó, con cái sẽ có những quyết định riêng phù hợp với bản thân và sẽ chịu trách nhiệm với những quyết định đó.
Hoàng Mai