Hội thảo thu hút hơn 400 học sinh, phụ huynh, giáo viên khối THPT tại Tp.Đà Nẵng gặp gỡ, trao đổi cùng các chuyên gia, doanh nhân.
Theo thống kê từ năm 1990 đến 2007, robot đã thay thế khoảng 670.000 việc làm tại Hoa Kỳ và xu hướng này đang tiếp tục tăng lên trên toàn thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Song song với đó là sự ra đời của nhiều công việc với cấp độ cao hơn như quản lý và phân tích dữ liệu, ứng dụng IoT, thương mại điện tử, học tập trực tuyến… đòi hỏi con người phải tiếp thu kiến thức, kỹ năng mới.
Chính vì vậy, hội thảo hướng nghiệp Lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai được tổ chức với mong muốn cung cấp đến học sinh, phụ huynh và giáo viên cái nhìn toàn cảnh về thị trường lao động trong kỷ nguyên số, từ đó nhận thức sâu sắc hơn về việc hướng nghiệp sớm cho học sinh trong bối cảnh hiện nay.
Tiến sĩ Võ Quang Trí, Trưởng khoa Thương mại điện tử, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng, nhận định, với sự khác biệt thế hệ hiện nay, việc phụ huynh và học sinh không có tiếng nói chung trong hướng nghiệp là chuyện bình thường. Thế hệ trẻ có ngôn ngữ và sở thích riêng.
Phụ huynh không nên ép buộc. Thay vào đó, phụ huynh phải để con em hiểu mình hơn và cần cho con em thấy mình cần gì ở các bậc cha mẹ.
“Hai bên cần ngồi lại chia sẻ mọi bất đồng thì mới giải quyết được vấn đề hướng nghiệp trong kỷ nguyên hiện nay”, ông Trí nhận định.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tp.Đà Nẵng, đưa ra cái nhìn tổng quan về thế giới nghề nghiệp trong thời đại công nghệ số cùng dự đoán các lĩnh vực sẽ trở nên phổ biến trong tương lai nhờ sự phát triển của AI.
“Trước sự biến đổi liên tục, không ai trong số người lớn chúng ta lường được thế giới nghề nghiệp tương lai sẽ ra sao. Chính vì vậy, phụ huynh, giáo viên nên là người cố vấn cho học sinh, chứ không nên là người vẽ đường trong việc hướng nghiệp”, ông Hùng bày tỏ.
Bên cạnh đó, bà Trương Lý Hoàng Phi, chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Tp.HCM, chia sẻ: “Sự phát triển của công nghệ và nền kinh tế khiến chúng ta không lường trước được về việc định hướng nghề nghiệp. Chỉ mới 10 năm trước, không ai nghĩ sẽ có nghề Youtuber, Tiktoker, hay lĩnh vực Thương mại điện tử…”.
Trước đây quãng thời gian để thay đổi xu hướng, vị thế nghề nghiệp theo chu kỳ khoảng 5-7 năm nhưng hiện nay có thể rút ngắn chỉ còn 2 năm nên việc định hướng sớm nghề nghiệp cho học sinh là phù hợp.
Bà cũng cho rằng, hiện nay, giới trẻ có những suy nghĩ riêng của mình bên các bậc cha mẹ phải thấu hiểu để cùng con định hướng nghề nghiệp. Thậm chí, các bậc cha mẹ phải là người bạn của con.
Đồng thời, hiện nay, có rất nhiều nghề nghiệp mới, đặc biệt là nghề nghiệp liên quan đến công nghệ. Các bậc cha mẹ cần tiếp thu, tìm hiểu, cập nhật về những nghề nghiệp này để có thể cùng con tìm được tiếng nói chung. Từ đó, giúp con định hướng tốt nghề nghiệp cho tương lai.
Đồng thời, Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Hệ thống Giáo dục Sky-Line, nhận định, bên cạnh phụ huynh, giáo viên có tác động rất lớn đến định hướng nghề nghiệp của học sinh.
“Giáo viên phải là người cố vấn học tập, tư vấn cho học sinh những ngành nghề phù hợp với năng lực của học sinh, các em cần năng lực gì, nên học ở đâu học như thế nào… Từ đó giúp học sinh xác định được hướng đi phù hợp trong tương lai”, bà Phương nói.