Chậm ban hành văn bản pháp luật: Gây khó cho dân

Chậm ban hành văn bản pháp luật: Gây khó cho dân

Thứ 6, 12/07/2013 14:42

Hiện vẫn còn tồn tại tình trạng nhiều lĩnh vực chưa được pháp luật điều chỉnh hoặc chậm được điều chỉnh, thậm chí nhiều lĩnh vực dù đã có Luật nhưng lại phải chờ Nghị định còn Nghị định lại phải chờ Thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết mới triển khai, áp dụng được trong thực tế cuộc sống.

Do đó, nhiều văn bản luật có hiệu lực hàng năm trời nhưng lại chưa áp dụng được, tình trạng này gần như đã trở thành căn bệnh kinh niên, “thói quen” tiêu cực nhưng lại khá phổ biến ở nước ta. Vấn đề chậm ban hành văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể đã được nói đến nhiều và trong thời gian dài nhưng chậm được khắc phục, sửa chữa.

Ngay cả ở diễn đàn Quốc hội các đại biểu cũng đã chất vấn gay gắt các bộ, ngành trung ương về tình trạng “nợ” văn bản hướng dẫn gây khó cho nhân dân, doanh nghiệp và cho cả các cơ quan thực thi pháp luật nhưng vẫn đề này vẫn chậm chuyển biến.

Luật sư - Chậm ban hành văn bản pháp luật: Gây khó cho dân
Ảnh minh họa/internet

Việc chậm đưa các đạo luật vào cuộc sống gây hậu quả rất lớn về nhiều mặt của đời sống đất nước, gây bức xúc cho nhân dân, cán bộ, công chức. Việc không có văn bản hướng dẫn khiến nhiều đạo luật ban hành cũng như không, nhiều chuyên gia ví việc này như “đi trong đêm mà không có đèn” hoặc “ra khơi mà không biết hướng” nên rất nguy hiểm. Nhiều quy định do không có hướng dẫn, quy định cụ thể nên mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu gây thiệt hại cho Nhà nước, công dân. Đặc biệt, vấn đề này nếu không được giải quyết, khắc phục triệt để, căn cơ, sẽ ảnh hướng đến niềm tin của nhân dân đối với hệ thống pháp luật nói riêng và đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta nói chung.

Vì vậy, theo chúng tôi, các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, ban hành pháp luật, nhất là các văn bản chi tiết, cụ thể để hướng dẫn, áp dụng.

Trước mắt, cần đẩy mạnh, “giải quyết” các văn bản pháp luật còn “nợ”, còn tồn đọng, nhất là các đạo luật quan trọng mới ban hành, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực và các tầng lớp nhân dân; rà soát, hệ thống hóa để sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế các văn bản bất cập, chồng chéo, thiếu khả thi hoặc đã lỗi thời, lạc hậu.

Tiếp đó, cần tăng cường đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, đội ngũ làm công tác văn bản pháp luật cả về số lượng, chất lượng; quan tâm đầu tư kinh phí, trang thiết bị cho việc triển khai công tác này. Bên cạnh đó, cần có chế tài rõ ràng, cụ thể để xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có trách nhiệm về việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của công dân, tổ chức cũng như gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước.

  Theo Vĩnh Linh (Giáo dục thời đại)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.