Không đối thoại với người lao động cũng bị phạt
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95 (có hiệu lực thi hành từ ngày 10.10.2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) và đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo nghị định, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền với mức từ 12-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với các hành vi: Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN; đóng BHXH bắt buộc, BHTN không đúng mức quy định; đóng BHXH, BHTN không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN.
Ngoài khoản tiền nộp phạt, các trường hợp vi phạm còn bị buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, BHTN chưa đóng hoặc chậm đóng; đồng thời phải đóng thêm khoản tiền lãi của số tiền chưa đóng hoặc chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH.
Trường hợp chủ sử dụng lao động vi phạm về chế độ tiền lương theo quy định cũng sẽ bị phạt tối đa 75 triệu đồng, trong đó có hành vi trả lương cho NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Cụ thể, vi phạm với từ 1-10 NLĐ, phạt từ 20-30 triệu đồng; từ 11-50 NLĐ phải chịu mức phạt từ 30-50 triệu đồng; từ 51 NLĐ trở lên sẽ phạt từ 50-75 triệu đồng.
Ngoài các nội dung trên, nghị định còn quy định xử phạt một số hành vi vi phạm khác liên quan đến việc sử dụng lao động của chủ lao động, trong đó có quy định xử phạt từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với chủ lao động không tiến hành đối thoại tại nơi làm việc định kỳ 3 tháng/lần; không thực hiện đối thoại khi đại diện tập thể lao động yêu cầu.
|
Còn nợ đọng BHXH khoảng 7.000 - 8.000 tỉ đồng
Chiều 27.8, trả lời PV Thanh Niên qua điện thoại, ông Đỗ Văn Sinh, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho biết so với quy định trước đây thì Nghị định 95/2013 đã đưa ra mức phạt cao gần gấp 4 lần đối với người sử dụng lao động chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN hoặc BHTN không đúng mức quy định. Tuy nhiên, ông Sinh tỏ vẻ khá dè dặt khi đánh giá tác động của Nghị định 95/2013 đối với tình trạng nợ đọng BHXH hiện nay, bởi chính sách này còn khá mới và các hành vi, tính chất liên quan đến nợ đọng bảo hiểm khá phức tạp, cần phải có quá trình để đánh giá. Theo ông Đỗ Văn Sinh, tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp còn nợ đọng BHXH khoảng 7.000 - 8.000 tỉ đồng. Số lao động được tham gia BHXH trên cả nước hiện chỉ mới đạt khoảng 20%.
Trong khi đó, ông Đỗ Quang Khánh, Phó giám đốc BHXH TP.HCM cho biết với mức xử phạt 75 triệu đồng sẽ có tính răn đe với một số doanh nghiệp nhỏ. Thế nhưng, ông nhận định: “Với doanh nghiệp nợ hàng chục tỉ đồng tiền BHXH thì phạt mức 75 triệu đồng sẽ không ăn thua gì”, ông Khánh nói, và đề nghị: “Nếu doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, ảnh hưởng số đông NLĐ, số tiền vi phạm lớn thì cần phải có chế tài nghiêm minh hơn; đồng thời tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm tra, chứ với lực lượng mỏng hiện nay thì viết biên bản xử phạt thôi cũng đã không nổi”.
Theo ông Khánh, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 50.000 doanh nghiệp tham gia đóng BHXH thường xuyên với mức thu tổng cộng khoảng 25.000 tỉ đồng/năm. Tính đến hết tháng 7.2013, nợ BHXH khoảng 1.700 tỉ đồng, trong đó có hàng trăm doanh nghiệp nợ đọng kéo dài với số tiền hàng trăm tỉ đồng.
Theo Bảo Cầm - Thái Sơn - Đình Phú (Thanh Niên)