Theo nghiên cứu của Chính phủ Mỹ đăng tải trên tạp chí Obstetrics & Gynecology ngày 6/1, một số phụ nữ sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có hiện tượng chậm kinh khoảng một ngày. Tuy nhiên, số ngày diễn ra chu kỳ vẫn không bị ảnh hưởng trong đại đa số trường hợp.
Cụ thể, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu ẩn danh của 4.000 phụ nữ từ 18 đến 45 tuổi từ một ứng dụng theo dõi sinh sản. Tất cả không sử dụng biện pháp tránh thai ảnh hưởng đến nội tiết tố.
Trong số này, khoảng 2.400 người được tiêm, đa số là Pfizer (55%), kế đến là Moderna (35%) và 7% là Johnson & Johnson. Số còn lại, khoảng 1.500 người, không tiêm vắc-xin.
Ở nhóm tiêm vắc-xin, dữ liệu thu thập từ ba chu kỳ liên tiếp trước khi tiêm và ba chu kỳ liên tiếp sau khi tiêm (tương đương 6 tháng). Đối với nhóm không tiêm, dữ liệu được thu thập liên tục 6 chu kỳ.
Nghiên cứu chỉ ra rằng liều vắc-xin đầu tiên có thể làm tăng độ dài chu kỳ kinh nguyệt lên 0,64 ngày, liều thứ hai tăng 0,79 ngày. Điều này có nghĩa là trong cả hai liều, phụ nữ có thể xảy ra tình trạng bị trễ kinh nguyệt gần 1 ngày.
Phản ứng của hệ miễn dịch với vắc-xin có thể là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này. "Chúng tôi biết rằng hệ miễn dịch và sinh sản có mối liên quan với nhau", Alison Edelman, Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon, tác giả chính của công trình nói.
Hệ miễn dịch có thể tác động đến trục dưới đồi tuyến yên buồng trứng. Đây là phần để não bộ "giao tiếp" với buồng trứng và tử cung. Việc sản xuất protein gây viêm cytokine làm gián đoạn quá trình giao tiếp đó.
Những thay đổi xuất hiện rõ ràng nhất khi phụ nữ tiêm phòng sớm trong giai đoạn nang trứng, bắt đầu vào ngày đầu tiên của kỳ kinh và kết thúc khi bắt đầu rụng trứng. Trong nghiên cứu, một nhóm nhỏ phụ nữ tiêm 2 liều vắc-xin Pfizer hoặc Moderna bị chậm kinh khoảng 2 ngày, nhưng tình trạng này không kéo dài.
Bà Edelman cũng cho rằng cộng đồng không cần lo ngại về hiện tượng chậm kinh sau tiêm. Đây chỉ là những tác động tạm thời và rất nhỏ.
Các tác giả hy vọng, báo cáo trên giúp giải tỏa thắc mắc và đẩy lùi thông tin sai lệch về việc tiêm vắc-xin đối với phụ nữ. Theo Liên đoàn Phụ sản và Sản khoa Quốc tế, chu kỳ kinh nguyệt tăng hoặc giảm dưới 8 ngày vẫn được coi là điều bình thường. Các thay đổi này không có ý nghĩa về mặt lâm sàng.
Đội ngũ chuyên gia cũng hy vọng có thể tiếp tục mở rộng quy mô nghiên cứu ra toàn thế giới, đồng thời có thể xác định sự chênh lệch về ảnh hưởng giữa những dòng vắc-xin phòng Covid-19 khác nhau.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Thanh Niên)