Giai đoạn coi thi THPT Quốc gia 2019 đã kết thúc khá bình yên, không xuất hiện những “chấn động”, nhiều câu chuyện ý nghĩa, thấm đẫm tính nhân văn được dệt nên bởi tình người trong ba ngày thi ngắn ngủi. Ngay sau khi môn thi cuối cùng kết thúc, công tác chấm thi được chuẩn bị chu đáo và tiến hành cẩn thận tại các địa phương.
Đây là khâu đang được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi những tiêu cực năm 2018 có căn nguyên từ chính công đoạn này. Từ bài học sâu sắc của năm 2018, bộ GD&ĐT đã có nhiều giải pháp điều chỉnh về mặt kỹ thuật, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người.
Những ngày qua, hội đồng chấm thi tại các địa phương đã huy động lực lượng “tinh nhuệ” nhất để có một kết quả công bằng, chính xác và cập nhật nhanh nhất cho các thí sinh.
Theo Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, qua những chuyến kiểm tra công tác chấm thi tại một số địa phương, có thể nhận thấy tinh thần và trách nhiệm đối với học sinh đang được đẩy lên cao.
Tại nhiều hội đồng chấm thi, xảy ra tình trạng mất điện giữa trời nắng nóng, các thầy cô vẫn không thể bỏ nhiệm vụ, vẫn miệt mài bên từng trang giấy thi, dù mồ hôi có lăn dài sau lưng áo.
Tất cả chỉ vì sứ mệnh “cầm cân nảy mực”, nên các thầy cô mới nhiệt tình, chu đáo để không làm chậm tiến độ của hội đồng chấm thi. Các thầy cô quyết tâm chấm “nhanh nhưng không vội”, chấm “thật tay” để đánh giá đúng năng lực của thí sinh và tuân thủ đủ 2 vòng chấm độc lập.
Đó là câu chuyện của ban chấm thi tự luận, còn ở ban chấm thi trắc nghiệm, nhiều thầy cô dành thời gian rà soát và điều chỉnh trong điều kiện cho phép những lỗi “kỹ thuật” có thể gây “mất điểm oan” trên bài thi để “cứu” thí sinh.
Theo chia sẻ của PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội, phụ trách ban chấm thi trắc nghiệm tại hội đồng chấm thi tỉnh Thanh Hóa, qua kinh nghiệm 4 năm chấm thi trắc nghiệm, thí sinh rất hay gặp một số lỗi cơ bản trên bài thi.
Đó là, thí sinh tô đáp án quá mờ nên máy chấm khó nhận diện; hoặc trong một câu, sau khi thí sinh chọn được một đáp án, lại muốn đổi đáp án khác thì tẩy đáp án cũ đi chưa kỹ, nên máy cũng khó nhận diện đâu là đáp án mà thí sinh chọn. Đây cũng là một trong những lưu ý mà năm nào các thầy cô cũng nhắc học sinh trước khi bước vào kỳ thi THPT Quốc gia, nhưng dường như không ít thí sinh khi bước vào phòng thi vẫn vô tình mắc phải.
Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật; có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng; đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi,... đảm bảo một môi trường công bằng tối ưu.
Nhân sự làm công tác chấm thi, cán bộ chấm thi cũng được lựa chọn hết sức cẩn trọng, không chỉ quan tâm yếu tố kinh nghiệm, năng lực, có tỉnh kiên quyết không chọn cán bộ chấm trắc nghiệm là người địa phương; giáo viên không chấm bài học sinh khu vực mình…
Cùng hàng rào kỹ thuật, thanh tra chấm thi năm nay được tăng cường hơn, bộ GD&ĐT đã tổ chức đoàn thanh tra đến tất cả 63 hội đồng thi, trực tiếp thanh tra hoạt động chấm thi; chỉ đạo sở GD&ĐT chủ động thanh tra theo thẩm quyền. Bộ GD&ĐT cũng đồng thời tổ chức giám sát đoàn thanh tra để tăng cường hơn nữa cho công tác này. Lực lượng thanh tra, an ninh tại các hội đồng chấm thi cũng rất sát sao, kiểm soát kỹ người và những vật dụng được phép mang vào khu vực.
Đặc biệt, do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 02 nên ở một số địa phương chịu ảnh hưởng, như Hải Phòng đã quan trắc được gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; ở ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh - Ninh Bình có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đã có mưa to đến rất to từ ngày 3-4/7. Tuy nhiên, các hội đồng chấm thi vẫn “cố thủ” trong “thành lũy” để sớm hoàn thành nhiệm vụ.
“Mặc bên ngoài, có mưa giông bão tố
Ở trong này, thầy vẫn chấm bài hay
Dù cho ngày nắng cháy, mướt mồ hôi
Cô vẫn luôn vững tay bút trên bài”.
Nhiều giáo viên nhà ở xa, nhưng vẫn miệt mài đi sớm về muộn dù cơn bão mùa hè đã ì ùng kéo đến. Một số địa phương cũng đã chuẩn bị sẵn sàng “tác chiến” nếu bão có đổ bộ quá nhanh quá nguy hiểm. Đại diện hội đồng chấm thi tỉnh Ninh Bình khẳng định: “Bão về thì vẫn chấm bài cho kịp tiến độ, trừ trường hợp bão quá dữ dội gây ngập lụt quá sâu”.
Gần 900.000 thí sinh, nhân lên theo số các môn thi, lượng bài thi trên cả nước lên tới con số trên 5 triệu. Với số lượng khổng lồ đó, để có kết quả chấm thi chính xác, cần sự chuẩn bị vô cùng tỉ mỉ, kỹ càng mà quan trọng hơn, chính là lương tâm và trách nhiệm.
Những cán bộ chấm thi gánh trên vai không chỉ trách nhiệm “cầm cân nảy mực” vì một thế hệ học sinh mà còn là trách nhiệm thắp sáng lại ngọn đuốc niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục.